Trong trường hợp nào người đại diện hợp pháp được thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự?

Thứ năm - 08/10/2015 21:57
Tại điểm b, khoản 1 Điều 56  BLTTHS quy định: “1. Người bào chữa có thể là: b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.
Theo quy định tại Điều 139, 140, 141 Bộ luật dân sự thì cha mẹ của con chưa thành niên và người có nhược điểm thể chất, tâm thần là người đại điện theo pháp luật (đại diện hợp pháp).
Từ những quy định nêu trên, trong thực tiễn giải quyết án hình sự, một số vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần nhưng bản thân họ và người đại điện (cha hoặc mẹ của bị can, bị cáo) không yêu cầu cử người bào chữa mà người đại diện hợp pháp của họ (cha hoặc mẹ) nhận tự bào chữa cho con mình sau đó được CQĐT, VKSND, TAND cấp giấy chứng nhận là người bào chữa cho họ… vấn đề này có đảm bảo quy định của BLTTHS về thực hiện quyền nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo không?
Trong một số vụ án cụ thể, thấy những người tự nhận làm người bào chữa đó (cha, mẹ người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần) không hề có kiến thức về pháp luật, thậm chí chưa học hết chương trình giáo dục tiểu học phổ thông; không những vậy trong số họ còn có người thuộc diện hộ nghèo, kém hiểu biết pháp luật, là đối tượng được trợ giúp về mặt pháp lý khi tham gia tố tụng hình sự, dân sự (theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC) nhưng họ lại nhận tự bào chữa cho con mình trong vụ án hình sự…
Theo quy định tại Khoản 2 điều 56 BLTTHS quy định thì những người không được bào chữa gồm: Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó; Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch; còn cha mẹ của bị can, bị cáo lại không phải là đối tượng bị cấm bào chữa cho con mình … mặt khác hiện nay các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ quy định trình độ của người được công nhận là Luật sư, công tác viên trợ giúp pháp lý mà chưa có quy định người đại diện hợp pháp phải có trình độ pháp lý như thế nào mới được công nhận là người bào chữa …rõ ràng trên thực tế là khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa thì những người không am hiểu pháp luật thì không thể thực hiện được nhiệm vụ bào chữa cho bị can, bị cáo  được mà họ tham gia tố tụng chỉ là hình thức mà thôi…
Đây là vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn trong giải quyết một số vụ án hình sự, xin nêu để cùng các đồng nghiệp nghiên cứu trao trao đổi:  “Trong trường hợp nào Người đại diện hợp pháp được thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự?” hay mọi trường hợp (như nêu trên) để thực hiện tốt quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo. Rất mong được các đồng nghiệp quan tâm và cho ý kiến./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây