Kiến nghị hoàn thiệt các quy định của BLHS đối với các tội xâm phạm sức khỏe

Thứ ba - 26/05/2015 21:43
Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS) mặc dù được sửa đổi cơ bản, toàn diện năm 2009 nhưng nhìn chung vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Tình hình tội phạm hiện nay vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhóm tội xâm phạm sức khỏe (XPSK) của con người diễn biến ngày càng phức tạp về số lượng, phương thức, thủ đoạn cũng như tính chất dã man, tàn bạo của hành vi phạm tội, chủ yếu là về tội cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng số các loại vụ án phải đưa ra xét xử. Các tội phạm khác trong nhóm tội này có xảy ra nhiều nhưng việc xử lý ít hoặc gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của TANDTC, từ năm 2005 đến 2014, trên phạm vi cả nước đã xét xử 625.507 vụ án hình sự các loại với 910.519 bị cáo; trung bình mỗi năm  xét xử  hơn 62.000 vụ án với hơn 91.000 bị cáo. Trong khoảng thời gian này Tòa án xét xử 92.804 vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người với 114.412 bị cáo; trung bình mỗi năm xét xử  hơn 9.000 vụ với hơn 11.000 bị cáo.  Trong khoảng thời  gian 10 năm ( 2005- 2014 ), số vụ án xâm phạm được đưa  ra xét xử là  59.877 vụ với 97.887 bị cáo, tính trung bình mỗi năm xét xử gần 6.000 vụ với gần 10.000 bị cáo. Như vậy,  nếu căn cứ vào số liệu thống kê của TANDTC, có thể thấy rằng từ  năm 2005 đến năm 2014, số vụ và số bị cáo  phạm các tội xâm phạm sức khỏe con người bị đưa ra xét xử có nhiều biến động. Tội phạm xâm phạm sức khỏe con người xảy ra ngày càng  nhiều, với nhiều bị cáo hơn, năm 2005 đã xét xử 4833 vụ/7086 bị cáo nhưng đến năm 2014 đã xét xử 6352 vụ/10265 bị cáo tăng hơn 10%, nhất là trong những năm từ 2011 đến năm 2014 tăng gần 20%. So với cả nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm con người thì các tội xâm phạm sức khỏe chiếm số lượng lớn, trên 60%; chiếm khoảng 10% tổng số án của các loại tội phạm.
Tình hình tội phạm như trên, trên thực tế chưa phản ánh đúng thực trạng và diễn biến của tình hình nhóm tội phạm này. Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì tổng số điều tra, truy tố trên phạm vi toàn quốc từ năm 2000 đến năm 2012 tăng, giảm không đều qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì tình hình xét xử tội phạm trên phạm vi toàn quốc từ năm 2001 đến 2012 cũng luôn có xu hướng tăng. Các hành vi phạm tội chủ yếu tập trung vào một số nhóm tội như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu,…
Trong giai đoạn từ 2005- 2014, trong nhóm tội XPSK có tỷ lệ án rất chênh lệch, chủ yếu là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác xảy ra nhiều : 59.079 vụ ( chiếm 98,7%). Các tội phạm khác xảy ra ít, như: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 250 vụ (  chiếm 0,4% ),  tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe  người khác do phòng vệ chính đáng 121 vụ ( chiếm 0,2% ), … Có một số tội xét xử rất ít như: tội hành hạ người khác 15 vụ ( chiếm 0,025% ), tội lây truyền HIV cho người khác và tội cố ý lây truyền HIV cho người khác mỗi loại tội 04 vụ (chiếm 0,007% ).
Thực tế, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác  xảy ra nhiều, chiếm 98,7% tổng số các tội XPSK đã xét xử đã phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra trong xã hội ở Việt Nam nhưng chưa phản ánh hết tình hình tội phạm này. Qua thực tiễn cũng như nghiên cứu Bộ luật hình sự hiện hành chúng tôi nhận thấy còn một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể là:
1. Một số quy định của BLHS hiện hành về nhóm tội xâm phạm sức khỏe có dấu hiệu của một số cấu thành tội phạm chưa phù hợp với thực tế, khó chứng minh trên thực tế, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Việc quy định tỷ lệ thương tích (%  ) là dấu hiệu bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên vấn đề giám định thương tích sức còn nhiều bất cập, phụ thuộc vào năng lực, trình độ, ý thức chủ quan  của mỗi giám định viên có sự đánh giá và kết luận tỷ lệ thương tật khác nhau thậm chí trái ngược nhau hoặc có trường hợp bị hại do bị mua chuộc hoặc đe dọa nên không hợp tác với cơ quan tố tụng, không đi giám định,.. những điều này ảnh hưởng  lớn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến nhiều trường hợp không thể chứng minh được nên không thể xử lý được hành vi phạm tội, bỏ lọt tội phạm.
2. Trong các tội xâm phạm sức khoẻ thì có 5 tội chỉ được khởi tố điều tra khi có yêu cầu khởi tố của người bị hại là khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108 và 109 BLHS và trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ, về thực tiễn gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
3. Các tình tiết “ gây cố tật nhẹ…”, “ người già yếu ”, “ phạm tội…trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác”, “ trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng”, “ phòng vệ chính đáng”,….. chưa được hướng dẫn, giải thích của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến có nhiều cách hiểu, đánh giá, áp dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
4. Trong cấu thành cơ bản của các tội quy  định tại Điều 105, Điều 106, Điều 107 không thiết kế những hành vi nguy hiểm như quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự, mà hầu hết chỉ căn cứ vào tỷ lệ thương tật và tình tiết phạm tội đối với nhiều người. Việc chỉ quy định như vậy trong các tội danh này theo chúng tôi là chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người. Trong nhiều trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ( dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ, đối với trẻ em, người già,… ), gây thương tích cho người khác nhưng tỷ lệ thương tật chưa đến 31%  thì không thể truy cứu TNHS.
5. Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác ( Điều 104 ): Không mô tả rõ ràng dấu hiệu của hành vi khách quan gây không ít khó khăn cho việc xác định chính xác tội danh nên nhiều trường hợp định tội không chính xác. Mặt khác, xét về mặt kỹ thuật lập pháp quy định “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” - tình tiết này để làm yếu tố định khung ở khoản 2 và khoản  3 đối với tỷ lệ thương tích nặng thì sẽ rất bất hợp lý.
Tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS là “dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm gây nguy hại cho nhiều người”. Thực tế xét xử có trường hợp gây thương tích cho nạn nhân chỉ 1% hoặc 2% có thể bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội Cố ý gây thương tích là điều thực sự không cần thiết, chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân. Trường hợp này có thể xử lý hành chính hoặc thông qua hoà giải.
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị:
1. Bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, BLHS theo hướng quy định rõ trách nhiệm của người bị hại. Cụ thể là:
 - Bổ sung khoản 4 Điều 51 BLTTHS: “Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo, từ chối hoặc cản trở việc giám định mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.”.
Bổ sung hành vi từ chối giám định của người bị hại vào Điều 308 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Điều 308 BLHS cần sửa đổi như sau:
“ Điều 308. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, từ chối giám định của người bị hại hoặc từ chối cung cấp tài liệu  
1. Người nào từ chối khai báo nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Bộ luật này hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định, việc giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng,…”
2. Bỏ các quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với các tội quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108 và 109 BLHS
3. Bổ sung tình tiết  Dùng hung khí nguy hiểm”  và các tình tiết từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104  là các tình tiết định tội, định khung của các tội tại Điều  105, Điều 106, Điều 107
4. Hoàn thiện quy định của pháp luật về tội cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo hướng:
Cần quy định cụ thể trong điều luật tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng phải là thương tích đáng kể từ 5% trở lên nếu thuộc một trong các trường hợp từ điểm a đến điểm k.
Sửa tình tiết  “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” thành “ gây cố tật cho nạn nhân’’
5. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, giải thích pháp luật; thường xuyên  rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hình sự cho phù hợp với thực tế.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây