Trao đổi nghiệp vụ Xử lý người điều khiển xe ô tô, dừng đỗ xe trên đường, gây tai nạn giao thông làm người chết hoặc bị thương trên 61%

Thứ năm - 18/07/2024 01:02
Thông qua nghiên cứu hồ sơ các vụ Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, do VKSND huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) thụ lý, giải quyết, cho thấy những quan điểm khác nhau về giải quyết, tập trung các vụ Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ, do người điều khiển xe ô tô vi phạm pháp luật trong việc dừng đỗ xe trên đường chiếm phần lòng đường, nhưng không bật đèn tín hiệu báo đỗ, không đặt biểm báo hiệu nguy hiểm ở phía trước xe và phía sau xe, để cảnh báo cho người điều khiển phương khác biết xe mình đang đỗ. Do người lái xe ô tô không thực hiện đầy đủ quy định trên dẫn đến người điều khiển xe mô tô đi đến đâm va vào phía sau xe ô tô của mình, gây tai nạn giao thông, hậu quả người điều khiển xe mô tô bị chết. Các quan điểm khác nhau về giải quyết, cụ thể: 

- Quan điểm thứ nhất: Người điều khiển xe ô tô được phép dừng đỗ xe trên đường, vì đoạn đường dừng đỗ xe không có biển báo cấm đỗ; người lái xe ô tô không điều khiển xe di chuyển trên đường tức là họ không tham gia giao thông. Do người điều khiển xe mô tô thiếu chú ý quan sát tự đâm va vào phía sau xe ô tô, gây tai nạn giao thông, hậu quả bị chết là gây thiệt hại cho chính mình. Người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe trên đường không phải nguyên nhân gây tai nạn giao thông, nên hành vi của người điều khiển xe ô tô này không cấu thành tội phạm Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi dừng đỗ xe trên đường không bật đèn tín hiệu, không đặt biểm báo hiệu nguy hiểm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính Phủ.   

- Quan điểm thứ hai: Người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe chiếm phần lòng đường, không bật đèn tín hiệu báo đỗ, không đặt biểm báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe là vi phạm vào khoản 3 Điều 18 của Luật giao thông đường bộ. Việc người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe trên đường không phải nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, lỗi để xảy tai nạn giao thông của người điều khiển xe ô tô không đáng kể. Trong trường hợp này, nên áp dụng khoản 2 Điều 8 của Bộ luật hình sự để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự.  

- Tôi có quan điểm như sau:
Thứ nhất: Người điều khiển xe ô tô được phép dừng đỗ xe trên đường tại nơi không có biển báo cấm đỗ, nhưng bắt buộc phải phòng tránh tai nạn và phải tuân thủ các quy định tại Điều 18 của Luật giao thông đường bộ.  
Khoản 3 Điều 18 quy định: “Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
          a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
        d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”;

Thứ hai: Người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe trên đường là đang tham gia giao thông đường bộ, vì theo cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật hình sự quy định “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây…”.
Trong trường hợp trên, để xử lý hành vi của người điều khiển xe ô tô theo khoản 2 Điều 8 của Bộ luật hình sự và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự  khởi tố điều tra theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự, thì trước hết phải xem xét tính chất mức độ hành vi (tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi) và hậu quả do hành vi của người điều khiển xe ô tô gây ra.
Ví dụ: Trường hợp người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe chiếm phần lòng đường, có bật đèn tín hiệu báo đỗ, nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe hoặc có đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe nhưng không đúng quy định (không đúng quy định về khoảng cách đặt biển báo), tức là người điều khiển xe ô tô này đã có ý thức phòng tránh tai nạn nhưng không thực hiện đầy đủ  và tai nạn vẫn xảy ra, hậu quả người điều khiển xe mô tô bị chết do điều khiển xe đâm vào xe ô tô. Trường hợp này, cần đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của người điều khiển xe ô tô là không đáng kể. Do vậy, nên áp dụng khoản 2 Điều 8 của Bộ luật hình sự, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ ba: Trong trường hợp người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe chiếm phần lòng đường, không bật đèn tín hiệu báo đỗ, không đặt biểm báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe, để cảnh báo cho người điều khiển phương khác biết xe mình đang đỗ, rồi rời khỏi xe ô tô đi chỗ khác. Vi phạm quy định tại Điều 18 của Luật giao thông đường bộ, dẫn đến người điều khiển xe mô tô đi đến đâm va vào phía sau xe ô tô của mình, gây tai nạn giao thông, hậu quả người điều khiển xe mô tô bị chết hoặc bị thương từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… Trường hợp này, cần xác định người điều khiển xe ô tô có lỗi chính gây tai nạn và phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật hình sự. Nhưng nếu người điều khiển xe ô tô thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt; các bên (lái xe ô tô và bị hại) tự nguyện hòa giải bồi thường thiệt hại xong về trách nhiệm dân sự, đại diện người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng có thể áp dụng khoản 2 Điều 8 của Bộ luật hình sự, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự.
Rất mong ý kiến của các bạn đồng nghiệp tham khảo và cho ý kiến phản hồi. Xin chân thành cám ơn./.
                                                                                               Phạm Văn Vững  - Phòng 2 VKS tỉnh

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây