Một số vấn đề về tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Thứ ba - 04/06/2024 00:03
Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc tạm ngừng tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định: khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền phải ra 01 trong 03 quyết định: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. BLTTHS quy định về tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tội phạm đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi giải quyết nguồn tin về tội phạm khi đã áp dụng đầy đủ các hoạt động kiểm tra, xác minh nhưng chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự (như không lấy được lời khai của đối tượng mà lời khai đó có ý nghĩa quyết định đến việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự...), tuy nhiên trên thực tế quy định này vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung.
*Một số quy định bất cập:
1- Về căn cứ tạm đình chỉ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015, Luật số 02/2021/QH15 ngày 12/11/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015, tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
+ Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tại liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
+ Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
BLTTHS không có quy định trong trường hợp không có căn cứ tạm đình chỉ, không có căn cứ khởi tố hoặc không khởi tố vụ án thì giải quyết như thế nào,  trong quá trình giải quyết còn gặp nhiều trường hợp này.
Năm 2020, Bộ công an ban hành Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 hướng dẫn về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tại điểm b khoản 3 Điều 16 hướng dẫn trong trường hợp trên CQĐT sẽ có công văn trao đổi, thống nhất quan điểm tạm đình chỉ với Viện kiểm sát, nhưng đây chỉ là hướng dẫn của đơn ngành, không phải là thông tư liên tịch và đối tượng áp dụng cũng không bao gồm Viện kiểm sát và CQĐT trong quân đội khi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.
Ảnh: minh họa
Hướng dẫn liên ngành số 2010 ngày 18/5/2021 giữa Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì: Về nguyên tắc, trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác; người bị kiến nghị khởi tố”.
Như vậy, giữa Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 và Hướng dẫn liên ngành số 2010 ngày 18/5/2021  có sự không thống nhất, do vậy khi vận dụng trong thực tiễn còn vướng mắc đối với trường hợp chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết.
2- Về thẩm quyền phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm sau khi tạm đình chỉ
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 và khoản 1 Điều 148 BLTTHS thì VKS có thẩm quyền giải quyết và ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 149 BLTTHS thì chỉ CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới có thẩm quyền phục hồi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và ra quyết định tạm đình chỉ thì cũng không có thẩm quyền ra quyết định phục hồi. Đây là quy định bất cập, thiếu sót của BLTTHS
Từ những hạn chế, bất cập, vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất một số nội dung sau:
Một là, cần nghiên cứu bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong khoản 1 ĐIều 148 BLTTHS năm 2015 cho phù hợp với căn cứ tạm đình chỉ điều tra quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015. Cụ thể, cần bổ sung một điểm vào khoản 1 ĐIều 148 BLTTHS 2015 với nội dung: “ Chưa xác định được hoặc không biết rõ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đang ở đâu mà việc lấy lời khai của họ có ý nghĩa quyết định đến việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”.
Hai là, cần nghiên cứu bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 149 BLTTHS theo hướng Viện kiểm sát là cơ quan có thẩm quyển phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố./.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật liên quan đến việc Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
                                                                          Nguyễn Thị Hương
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây