Một số tình huống Kiểm sát viên thực hiện hỏi cung bị can trong giai đoạn điều tra và trong giai đoạn truy tố

Thứ ba - 16/07/2024 05:34
Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra tố tụng của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật với mục đích khai thác, thu thập thông tin từ bị can để làm rõ hành vi phạm tội của họ và những tình tiết khác có ý nghĩa việc giải quyết vụ án hình sự cũng như công tác phòng ngừa tội phạm. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thì chủ thể tiến hành hỏi cung bị can là Điều tra viên, Kiểm sát viên và cán bộ điều tra của các Cơ quan điều tra.  
Theo quy định trong tố tụng hình sự, Kiểm sát viên có vai trò quan trọng trong hoạt động hỏi cung bị can. Bên cạnh nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc hỏi cung bị can của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên còn thực hiện nhiệm vụ hỏi cung bị can trong những trường hợp nhất định; Kiểm sát viên có thể phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hỏi cung bị can hoặc trực tiếp hỏi cung bị can trong những trường hợp được pháp luật quy định.  Việc hỏi cung bị can của Kiểm sát viên là một trong những biện pháp pháp lý để thực hành quyền công tố nhà nước trong các giai đoạn điều tra, truy tố. Đó là, thực hiện quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên được quy định tại khoản 7 Điều 165 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS. Mục đích là để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét, phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Cơ sở pháp lý về hỏi cung bị can, như: Quy định của hiến pháp về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân. Các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân về chức năng thực hành quyền công tố; về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự. Các quy định khoản 1 Điều 42, Điều 60; Điều 98; khoản 7 Điều 165; các Điều 182; 183; 184; khoản 3 Điều 236; Điều 421 BLTTHS. Các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS liên quan đến các quy định về hỏi cung bị can. Các Quy chế nghiệp vụ liên quan đến công tác điều tra, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.  
Trong giai đoạn điều tra, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ Công An- Bộ Quốc phòng Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS: “…khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can…”. Như vậy, ở giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can trong các trường hợp sau:
+ Để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được  khắc phục;
+ Để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định truy tố.
Kiểm sát viên cần chú ý: Điều 183 BLTTHS quy định: “Kiểm sát viên tham gia hỏi cung bị can cùng với Điều tra viên khi xét thấy cần thiết” hoặc “Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can khi bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết”.
Theo khoản 4 Điều 50 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/42020 của Viện trưởng VKSND tối cao) quy định rõ những trường hợp Kiểm sát viên phải tiến hành hỏi cung bị can, bao gồm: Các trường hợp bị can kêu oan; khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hơp khác khi xét thấy cần thiết.
- Trong giai đoạn truy tố, căn cứ Điều 236 BLTTHS quy định Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm cả hoạt động hỏi cung bị can để “…nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra”.
 Theo quy định tại Điều 69 Quy chế 111 cụ thể hóa như sau: “1. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện;
b) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố;
c) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung”.
Tuy nhiên, trong phạm vi nội dung “Trao đổi nghiệp vụ” tôi chỉ đề cập nội dung cụ thể, cơ bản “Một số tình huống, Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong giai đoạn điều tra, trong giai đoạn truy tố, “kiểm sát hỏi cung bị can trong trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”, cụ thể:
1. Một số tình huống, Kiểm sát viên hỏi cung trong giai đoạn điều tra:
a) Kiểm sát viên khi tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên:
Trước khi cùng Điều tra viên hỏi cung, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các tài liệu chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập để xác định những nội dung cầm làm rõ để yêu cầu Điều tra viên hỏi. Đồng thời, phải tim hiểu trạng thái tâm lý của bị can qua Điều tra viên, trao đổi và thống nhất trước với Điều tra viên về nội dung hỏi cung, về những vấn đề mâu thuẫn trong lời khai của bị can với các chứng cứ khác nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh, từ đó phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong quá trình hỏi cung. Trong trường hợp này, Điều tra viên là người chủ động trong việc hỏi cung. Điều tra viên phải giới thiệu họ tên, chức danh của Kiểm sát viên trước khi hỏi cung bị can.
Trong quá trình hỏi cung, Kiểm sát viên chú ý cách đặt câu hỏi của Điều tra viên, đảm bảo không để xảy ra việc bức cung, mớm cung, dụ cung; chú ý câu trả lời của bị can để phát hiện tình tiết mới, những điểm chưa rõ để yêu cầu Điều tra viên hỏi làm rõ. Kiểm sát viêc có thể trực tiếp hỏi cung nếu thấy Điều tra viên hỏi chưa đạt yêu cầu hoặc khi thấy cần thiết. Nội dung câu hỏi, câu trả lời phải được Điều tra viên ghi rõ trong biên bản hỏi cung. Khi tham gia hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, cả Điều tra viên và Kiểm sát viên phải ký vào biên bản hỏi cung.
Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, khi chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải chủ động báo cáo đề xuất Lãnh đạo cho Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi bản cung tổng hợp để chốt lại những nội dung, diễn biến trong quá trình thực hiện tội phạm của bị can, làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Trước khi tiến hành hỏi bản cung ổng hợp, Kiểm sát viên trao đổi thống nhất với Điều tra viên đề cương những nội dung cần hỏi. Những bị can có người bào chữa bảo vệ quyền lợi nhất thiết phải Điều tra viên yêu cầu Điều tra viên thông báo để người bào chữa tham gia dự buổi hỏi cung tổng hợp. Kiểm sát viên cần phải thể hiện thái độ tôn trọng Điều tra viên và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình hỏi cung.
b) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối:
Trường hợp bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối thì việc giao tiếp tâm lý thường gặp khó khan, Kiểm sát viên cần có thái độ điềm tĩnh, chân tình, không được nóng vội, bực tức trong giao tiếp, ứng xử nhưng nếu cần vẫn có thể tỏ ra gay gắt trước sự thách đố, vòng vo của bị can để bị can có thể nhận thức được rằng, việc Kiểm sát viên tham gia hỏi cung nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, từ đó có động cơ khai báo đúng.
Kiểm sát viên cần lắng nghe câu hỏi Điều tra viên và câu trả lời của bị can, chú ý những mâu thuẫn trong lời khai của bị can để yêu cầu Điều tra viên hỏi làm rõ. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp đặt câu hỏi. Kiểm sát viên có thể đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan trực tiếp tới hoạt động phạm tội của bị can (những câu hỏi này sẽ có tác dụng khẳng định rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ và nắm được toàn bộ hoạt động phạm tội của bị can, làm cho bị can phải suy nghĩ và lựa chọn thái độ khai báo đúng đắn) hoặc đưa ra một loạt các câu hỏi chi tiết, cụ thể xung quanh sự kiện, xung quanh vấn đề mà bị can khai báo không đúng sự thật. Mục đích của việc đưa ra các câu hỏi này là buộc bị can phải liên tục suy nghĩ căng thẳng để đưa ra những câu trả lời về những vấn đề giả tạo mà họ đã dựng lên. Nhưng do những tình tiết, sự kiện là không có thực nên bị can không dễ rang trả lời được và đến một mức độ nhất định, tự bị can phải thấy rằng khó có thể nói dối mãi được mà phải thay đổi lời khai.
c) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội:
Trong trường hợp bị can phạm tội có tổ chức: Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên hoặc trực tiếp hỏi để làm rõ cấu trúc của tổ chức, các đối tượng trong tổ chức phạm tội đó, vị trí, vai trò phạm tội của bị can trong tổ chức tội phạm; mức độ tham gia; làm rõ số lần phạm tội mà bị can đã tham gia; phương thức, thủ đoạn pham tội hoặc cách thức tổ chức thực hiện tội phạm; cách thức “ăn chia” những lợi ích vật chất, tài sản do phạm tội mà có; quan hệ, tình cảm, sự chi phối hay phụ thuộc (nếu có) của bị can với các bị can khác trong vụ án, với các bị can bỏ trốn và thông tin về các bị can bỏ trốn (nếu có)…. Dự kiến và thống nhất với Điều tra viên cách thức thuyết phục, tác động tâm lý để xử lý các tình huống phức tạp phát sinh  như: Bị can im lặng, bị can khai báo gian dối, khai báo nhỏ giọt, từng phần…
Trong trường hợp bị can phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội: Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên hoặc trực tiếp hỏi tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu như: Số lần phạm tội, thời gian, địa điểm phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm, động cơ, mục đích phạm tội; nguyên nhân và điều kiện phạm tội…
d) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can là người hạn chế về khả năng nhận thức, khả năng khai báo do có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần:
Trong thực tế, có những trường hợp bị can là người bị hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh tâm thần hoặc do có nhược điểm về thể chất nên ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng khai báo của họ và việc hỏi cung bị can gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với những trường hợp này, trước tiên Kiểm sát viên cần chú ý đến việc phải kiểm tra thực tế để quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần, giám định pháp y về sức khoẻ (thể chất)…từ đó có cơ sở xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can. Khi đã có đủ căn cứ xác định tình trạng sức khoẻ, năng lực nhận thức của bị can thì mới tiến hành hỏi cung.
Khi tiến hành hỏi cung, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện đúng các quy định của pháp luật về một số vấn đề sau đây:
- Phải bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần để bảo đảm tính hợp pháp của hoạt động hỏi cung. Vì trường hợp bị can là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà bị can hay người thân thích của họ không mời  người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chi định người bào chữa cho họ. Do vậy, trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải chú ý việc Cơ quan điều tra có bảo đảm việc mời người bào chữa cho bị can, có thông báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung cho người bào chữa biết không; ai là người bào chữa cho bị can, người bào chữa có tham gia đầy đủ các buổi hỏi cung không; nếu họ vắng mặt thì lý do vì sao vắng mặt; quá trình tham gia, người bào chữa có vi phạm gì không.
- Trường hợp hỏi cung người bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt do có nhược điểm về thể chất như bị câm hoặc bị điếc hoặc vừa câm, vừa điếc bẩm sinh lại không biết chữ thì Kiểm sát viên cần chú ý việc bảo đảm thực hiện thủ tục mời người phiên dịch là người hiểu được ngôn ngữ, ký hiệu của người câm, điếc để giúp việc mô tả, truyền tải lại bằng ngôn ngữ tiếng Việt những nội dung mà bị can bị khuyết tật đó đã khai báo hoặc có trường hợp phải mời người giám hộ của bị can để hỗ trợ việc tiếp xúc, hiểu các ký hiệu, ám hiệu mà bị can sử dụng trong quá trình khai báo. Sự tham gia của người phiên dịch, người giám hộ phải bảo đảm nội dung và hình thức đúng quy định.
đ) Đối chất khi lời khai của bị can có mâu thuẫn với lời khai của người tham gia tố tụng khác:
Trong quá trình điều tra, có thể gặp trường hợp lời khai của bị can mâu thuẫn với lời khai của bị hai, người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng không giải quyết được mâu thuẫn thì phải tổ chức hoạt động đối chất. Trình tự, thủ tục đối chất được thực hiện theo quy định của Điều 189 BLTTHS. Tại khoản 5 Điều luật này quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy của điều luật này”. Như vậy, trong trường hợp khi hồ sơ vụ án chuyển sang giai đoạn truy tố xét thấy lời khai còn mâu thuẫn thì đối chất.
Việc đối chất có thể thông báo trước cho bị can hoặc sử dụng như một hình thức bất ngờ, đột xuất để bị can không có sự chuẩn bị, đối phó. Trường hợp thấy bị can sợ, ngại việc đối chất thì yêu cầu bị can thành khẩn khai báo, nếu không sẽ tiến hành đối chất. Để tác động đối với bị can bị đưa ra đối chất, Kiểm sát viên có thể dùng nhiều phường pháp khác nhau, như: phân tích, giáo dục, thuyết phục, tác động tâm lý,… để bị can thay đổi động cơ khai báo.
e) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan:
Trường hợp bị can kêu oan, thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ nội dung các đơn thư, tài liệu mà bị can xuất trình, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện việc kêu oan của bị can; các biên bản, tài liệu liên quan đến hoạt động điều tra; từ đó xem xét việc kêu oan của bị can là có căn cứ hay không, với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở để kết luận chấp nhận hay không chấp nhận việc kêu oan của bị can chưa; nếu chưa đủ cơ sở để kết luận thì việc hỏi cung cần phải làm rõ, bổ sung những nội dung gì. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên lập kế hoạch hỏi cung bị can chi tiết về những vấn đề cần làm rõ liên quan đến nội dung bị can kêu oan.
Trong quá trình hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải chú ý nghe nội dung kêu oan của bị can; làm rõ việc kêu oan có căn cứ, có cơ sở hoặc chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho nội dung kêu oan không hoặc sử dụng chứng cứ, tài liệu đã có để đấu tranh với bị can nếu đã biết bị can kêu oan không đúng.
Kiểm sát viên phải khêu gợi, động viên, khích lệ cho bị can nói nhiều và chia sự việc cần hỏi ra thành nhiều câu hỏi chi tiết, hỏi tỉ mỉ, cụ thể về từng vấn đề. Ví dụ có thể hỏi: Tại sao bị can lại kêu oan; oan chỗ nào ? tại sao lời khai ngày tháng năm…bị can nhận tội nay lại kêu oan…hoặc lúc hỏi chỗ này, lúc hỏi chỗ khác không theo một trình tự đúng như thực tế xảy ra làm cho bị can dù có chuẩn bị đến mấy cũng không thể dự kiến được hết mọi khía cạnh của vấn đề mới nảy sinh từ câu trả lời của bị can, cho nên bị can càng trả lời càng để lộ mâu thuẫn trong lời khai để làm rõ những vấn đề bị can kêu oan là không có căn cứ.
g) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can có khiếu nại về hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật:
Đối với trường hợp bị can khiếu nại về hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên cũng phải nghiên cứu hồ sơ, thực hiện các hoạt động chuẩn bị hỏi cung bị can tương tự như chuẩn bị hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan nêu trên. Kiểm sát viên phải chú ý đến những khiếu nại, tố cáo của bị can hoặc của luật sư, người bào chữa cho bị can để đề xuất giải quyết đúng pháp luật.
Khi hỏi cung, Kiểm sát viên cần đưa ra các câu hỏi chi tiết để làm rõ những vấn đề mà bị can khiểu nại, như: Bị can khiếu nại về hoạt động điều tra nào, hoạt động điều tra đó có vi phạm pháp luật ra sao, vì sao bị can lại khiếu nại, đề  nghị của bị là gì,…Câu hỏi đưa ra rõ rang, ngắn gọn, nhưng phải đầy đủ, phù hợp với trình độ, nhận thức, hiểu biết của bị can. Kiểm sát viên cũng phải suy đoán trước các câu trả lời của bị can và chuẩn bị kỹ các câu hỏi tiếp theo nhằm làm rõ tất cả các vấn đề cần giải quyết. Trong khi bị can trả lời các câu hỏi, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe, có những cử chỉ, lời nói thể hiện sự quan tâm đến lời khai của bị can; không nên cắt ngang câu trả lời của bị can. 
Đối với trường hợp quá trình điều tra có vi phạm pháp luật, phải thu thập cả chứng cứ, tài liệu làm rõ những vi phạm, thiếu sót cần rút kinh nghiệm với Cơ quan điều tra hoặc Điều tra viên. Đối với vi phạm nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải chuyển Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kiểm tra, xác mịnh theo thẩm quyền.
2. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong giai đoạn truy tố:
Việc hỏi cung bị can trong giai đoạn truy tố được thực hiện theo quy định tại các Điều 182, Điều 183, Điều 184 BLTTHS và được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 69 Quy chế 111, theo đó, Kiểm sát viên tiến hành hỏi cung bị can trong các trường hợp sau đây: “Khi phát hiện có dấu hiệu oán, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện”; “Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi toà án yêu cầu điều tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung”.
Về nguyên tắc, dù tiến hành hỏi cung trong giai đoạn điều tra hay truy tố, Kiểm sát viên đều phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định và những yêu cầu về nghiệp vụ theo quy định của ngành. Tuy  nhiên, điểm khác biệt là sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án đã có tất cả tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, trong đó có các biên bản hỏi cung bị can mà Điều tra viên đã thu thập. Do đó, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ này, nhất là phải nghiên cứu kỹ các biên bản hỏi cung, bản tự khai của bị can và so sánh nội dung các biên bản hỏi cung bị can và bản tự khai đó với các vật chứng, tài liệu như: lời khai của những người tham gia tố tụng khác (lời khai của các bị can khác, người làm chứng, bị hại) có điểm gì mâu thuẫn về thời gian, địa điểm xảy ra sự việc phạm tội; giữa lời khai của bị can có gì mâu thuẫn với các chứng cứ vật chất khác, như: Vật chứng, công cụ, phương tiện phạm tội…Từ đó, Kiểm sát viên phải nắm bắt những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, chứng cứ yếu hoặc liên quan đến việc có thể dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc những vi phạm pháp luật; xác định những vấn đề cần phải hỏi cung để kiểm tra, bổ sung, củng cố chứng cứ (thường gọi là phúc cung), để xây dựng kế hoạch trình lãnh đạo và tiến hành làm rõ, trước khi xây dựng dự thảo Cáo trạng.
Sau khi kết thúc việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá lời khai của các bị can, báo cáo lãnh đạo Viện kết quả hỏi cung bị can. Biên bản hỏi cung phải đưa vào hồ sơ vụ án và lưu hồ sơ kiểm sát theo quy định.
- Kiểm sát viên hỏi cung bị can khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc có vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện: 
Trong một số trường hợp, sau khi nghiên cứu hồ sơ kết thúc điều tra hoặc qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo phát hiện bị can có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc có vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra/Điều tra viên thì Kiểm sát viên phải hỏi cung bị can để làm rõ những vấn đề này. Trước tiên, Kiểm sát viên phải kiểm tra, nghiên cứu thật kỹ các câu hỏi và câu trả lời trong các biên bản hỏi cung xem trong quá trình hỏi cung bị can, Điều tra viên có sử dụng các thủ thuật đặt câu hỏi mang tính chất truy bức, áp đặt hay chỉ dẫn, áp đặt…là những biểu hiệu của dấu hiệu bức cung, mớm cung hoặc dụ cung không.
Khi hỏi cung bị can phải làm rõ lý do vì sao bị can nhận tội (hoặc không nhận tôi), nội dung đã khai báo; trường hợp bị can nhận tội có phải do bị bắt ép khai không hoặc bị can không khai như vậy nhưng do Điều tra viên đã viết và bắt bị can ký nhận không; làm rõ thời gian, địa điểm, số lần hỏi cung bị can và so sánh với những tài liệu về thời gian, số lần trích xuất hoặc triệu tập bị can để hỏi cung do các cơ sở giam giữ nơi bị can bị tạm giữ, tạm giam cung cấp; làm rõ việc ký biên bản hỏi cung bị can; đã ký bao nhiêu lần, có ai chứng kiến.
- Hỏi cung bị can để bổ sung, củng cố chứng cứ phục vụ việc quyết định truy tố hoặc giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Toà án mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
Trong trường hợp này, cơ bản việc hỏi cung bị can được tiến hành theo trình tự, thủ tục chung nhưng Kiểm sát viên cần chú ý đến nội dung các câu hỏi phải tập trung làm rõ những vấn đề còn thiếu sót, những vấn đề trước đây bị can khai báo sơ sài hoặc Điều tra viên chỉ hỏi qua loa, đại khái; những vấn đề mà Toà án yêu cầu phải làm rõ thêm. Do đó, thường sử dụng những dạng câu hỏi chi tiết, câu hỏi kiểm tra làm chính xác lời khai…Nếu sau khi hỏi cung (phúc cung), thấy có đủ căn cứ để truy tố thì Kiểm sát viên báo cáo đề xuất truy tố bị can và xây dựng dự thảo cáo trạng.
Trong trường hợp, sau khi hỏi cung thấy cần tiếp tục điều tra bổ sung những vấn đề mang tính phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, lực lượng để điều tra thì đề xuất trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung và đề ra yêu cầu điều tra bổ sung. Trường hợp này cần xác định rõ trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc hồ sơ phải trả để điều tra bổ sung.
3) Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: 
- Kiểm sát viên phải nắm vững và vận dụng các căn cứ pháp lý quy định tại Điều 146 và Điều 183 BLTTHS. Khoản 1 Điều 146 (Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…) “Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,…; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận”. Khoản 6 Điều 183 (Hỏi cung bị can) “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra,…phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” và Điều 184 của BLTTHS (Biên bản hỏi cung bị can); các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành hỏi cung bị can tại Thông tư liên tịch số 03/2018 và hướng dẫn tại Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, ban hành kèm theo Quyết định số 264 ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
- Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải đảm bảo về hình thức, như: Bảo đảm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đúng quy định của pháp luật; trang phục, thái độ, lời nói của Kiểm sát viên phải chuẩn mực và đúng quy định của Ngành về quy tắc ứng xử trong hoạt động tư pháp; những người tham gia hỏi cùng đều phải tôn trọng, trật tự, chấp hành đúng yêu cầu của người chủ trì hỏi cung.
- Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải đảm bảo về nội dung: 
+ Không được vô ý hoặc cố ý làm sai lệnh nội dung khai báo (khai một đằng nhưng viết bản cung một nẻo).
+ Câu hỏi, lời đáp phải bảo đảm ngắn gọn, chậm, rõ để việc ghi chép đầy đủ nội dung; khi Kiểm sát viên chưa viết xong thì chưa hỏi, khi chưa rõ câu trả lời của bị can thì Kiểm sát viên phải hỏi lại thật rõ để ghi chép chính xác. Lưu ý, trong quá trình hỏi cung, Kiểm sát viên nên cho bị can ký vào từng câu trả lời (khi vừa kết thúc câu hỏi, câu trả lời của bị can) để tránh trường hợp sau này tại phiên tòa bị can phảm cung cho rằng Kiểm sát viên viết thêm bớt vào biên bản.  
- Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần lưu ý: Công tác tư tưởng phải tiến hành trước khi bắt đầu hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh; khi đang hỏi cung cần phải đấu tranh làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của bị can, cần hết sức chú ý để tránh việc mớm cung, dụ cung… Việc thao tác, sử dụng thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thành thạo, xử lý các tình huống phải đúng quy định của BLTTHS, Thông tư liên tịch số 03/2018 và Quy trình tạm thời số 264.
Quá trình hỏi cung bị can phải được lập biên bản theo quy định của Điều 184 BLTTHS và thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2018. 
Trên đây là một số trao đổi tình huống về Kiểm sát viên thực hiện hỏi cung bị can trong giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố. Rất mong ý kiến tham gia đóng góp của các bạn đồng nghiệp tham khảo, phản hồi. Xin chân thành cám ơn./.
                                                                                    Phạm Văn Vững
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây