Những nội dung cần chú ý khi thực hiện công tác kiểm sát xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa á
Thứ tư - 15/04/2015 03:58
Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) do Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, giải quyết thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Tại điều 105 khoản 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Ngày 20/01/2014 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về “trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân”, trong đó tại Điều 4 quy định: Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính:
1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.
3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.
Ngày 14/11/2014 Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định số 566/QĐ-VKSTC-V9 giao cho đơn vị kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, VKS các cấp nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của TAND cùng cấp từ khi Tòa án thụ lý đến khi các quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Để làm tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND theo quy định tại Điều 4 pháp lệnh số 09/2014/ UBTVQH 13 quy định, cán bộ, KSV phải nắm chắc các nội dung:
* Khi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính VKS có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án và có trách nhiệm tham gia 100% các phiên họp.
* Theo quy định tại Điều 3 pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 TA có thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là TAND cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở. Như vậy tương ứng với tòa án có thẩm quyền thì VKSND có thẩm quyền là VKSND cấp huyện cùng cấp với Tòa án. Trường hợp vụ, việc bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và được TA cấp tỉnh xem xét giải quyết thì VKSND tỉnh (Phòng 12) có nhiệm vụ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TAND cấp tỉnh trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể:
- Kiểm sát thụ lý hồ sơ: Chú ý thời hạn Tòa án thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét giải quyết chỉ là 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ( Điều 8 khoản 2).
- Kiểm sát thông báo thụ lý: Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan và VKS cùng cấp ( Điều 11 khoản1).
- Kiểm sát quyết định mở phiên họp: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ Thẩm phán phải quyết định về 1 trong các nội dung sau:
+ yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;
+Đình chỉ, tạm đình chỉ;
+ Mở phiên họp ( Điều 12 khoản 3).
- Kiểm sát việc lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ: Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH không quy định về việc Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS nghiên cứu mà chỉ quy định VKS có quyền nghiên cứu tại Tòa án đã thụ lý vụ việc sau khi nhận được thông báo thụ lý của TA cùng cấp. Nên VKS cần chủ động trong việc phân công Kiểm sát viên đồng thời KSV được phân công cần bố trí thời gian thích hợp để nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm( nếu có) để thực hiện tốt các quyền của VKS theo luật định.
- Kiểm sát về thành phần tham gia phiên họp: KSV chú ý kiểm sát về sự tham gia của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp theo pháp lệnh người tham gia phiên họp có Kiểm sát viên nếu KSV vắng mặt thì phải hoãn phiên họp, thời gian hoãn phiên họp không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo hoãn.
- Kiểm sát về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp: được quy định tại Điều 20
Lưu ý: KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật cả về trình tự, thủ tục và cả về nội dung( quan điểm của VKS áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính).
- Kiểm sát biên bản phiên họp: Sau khi kết thúc phiên họp KSV đề nghị được xem biên bản phiên họp, kịp thời yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận.
- Kiểm sát quyết định của Tòa án: Kết thúc phiên họp, Thẩm phán phải công bố một trong các quyết định gồm: Quyết định Đình chỉ; Quyết định tạm đình chỉ; Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
KSV lưu ý: trong 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định Tòa án phải gửi cho VKS cùng cấp, KSV chú ý kiểm sát nội dung của quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm báo cáo lãnh đạo, đề xuất biện pháp xử lý( Điều 22, 24).
-Thực hiện thẩm quyền kháng nghị của VKS: VKS có quyền kháng nghị các quyết định của Tòa án cùng cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định ( khoản 2 Điều 31)
Lưu ý: + Khi kháng nghị phải có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật
+ Quyết định kháng nghị phải nêu rõ lý do, căn cứ kháng nghị
+ Quyết định kháng nghị phải được gửi cho Tòa án đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Trên đây là những nội dung liên quan đến công tác kiểm sát xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án mà Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện cần nắm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật./.