Trần Văn T không tái phạm nguy hiểm

Thứ hai - 23/03/2015 04:05
          Trên trang thông tin điện tử, chuyên mục “Trao đổi nghiệp vụ” của Viện KS tỉnh Hải Dương có bài viết đăng ngày 03/3/2015 của bạn Đặng Thị Thủy và Trần Vân Anh- Viện KSND TP Hải Dương với nhan đề: Trần Văn T tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
          Về nội dung vụ án, nhân thân, tiền án tiền sự cũng như các quan điểm xác định T tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, bạn Thủy đã nêu cụ thể trong bài viết. Tôi xin không nêu lại.
          Ở bài viết này, tôi xin nêu quan điểm cá nhân và phân tích ngắn gọn như sau:
          Muốn xác định hành vi phạm tội của T thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, cần xác định rõ các tiền án của T.
          1. Ngày 10/6/2001, T bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi : Trộm cắp tài sản (chỉ xem xét tiền sự trộm cắp mà không cần xem xét tiền sự đánh bạc).
          2. Ngày 21/5/2004, T bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản (trị giá TS 700.000đ).
          3. Ngày 15/4/2005, T bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản (trị giá TS 700.000đ).
          4. Ngày 17/01/2013, T bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản (trị giá TS 6.400.000đ).
          Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS 1999 thì: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng... đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt...thì bị phạt...”.
          Như vậy, hành vi trộm cắp tài sản trị giá 700.000đ của T bị xét xử ngày 21/5/2004 phải có điều kiện tiền đề chính là tiền sự trộm cắp bị xử lý ngày 10/6/2001 của T, mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
          Cần xét tiền sự trên xem đã được xóa hay chưa:
          1. Theo quy định tại Điều 74- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa.
          Trong trường hợp cá nhân bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành  vi trốn tránh, trì hoãn.
          2. Theo quy định tại Điều 7- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì: Cá nhân... bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
           - Xét ngày 10/6/2001, T bị xử phạt hành chính. Tính đến ngày phạm tội mới và xét xử 21/5/2004 là gần 3 năm (vì bài viết của Thủy không nêu rõ ngày phạm tội của T tại bản án này). Trong gần 3 năm ấy kể từ ngày ra quyết định xử phạt             (10/6/2001), T không thi hành Quyết định trên thì theo quy định tại Điều 74- Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này (là 1 năm) đã hết. (Trừ trường hợp T trốn tránh không thi hành thì phải có hồ sơ thể hiện việc T trốn tránh, trì hoãn).
           Và theo quy định tại Điều 7- Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Hành  vi của T được coi là  chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
           Vậy, tiền sự trên của T đã đương nhiên được xóa. Theo đó, 2 tiền án bị xét xử vào các ngày 21/5/2004 và 15/4/2005 cũng đương nhiên được xóa vì hành vi trộm cắp tài sản trị giá 700.000đ không cấu thành tội phạm, theo khoản 1 Điều 138 BLHS sửa đổi 2009.
           Và chỉ còn bản án thứ ba của T xét xử ngày 17/01/2013 là tiền án.
           Theo phân tích trên thì hành vi Mua bán trái phép chất ma túy của T chỉ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 194 BLHS, với tình tiết tăng nặng “Tái phạm” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây