Một số giải pháp trong kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự

Thứ sáu - 29/05/2020 05:37

Trong những năm qua, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo trình tự phúc thẩm của Viện KSND tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực, thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm kịp thời ban hành được nhiều kiến nghị, kháng nghị góp phần đảm bảo các vụ, việc dân sự được giải quyết đúng pháp luật, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo trình tự phúc thẩm cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, một số Viện kiểm sát cấp huyện không phát hiện được vi phạm để kháng nghị phúc thẩm trong khi có một số bản án, quyết định sơ thẩm của đơn vị đó có kháng cáo bị Tòa cấp phúc thẩm sửa, hủy án; một số quyết định kháng nghị chưa chính xác, thiếu căn cứ phải rút hoặc Tòa án bác không chấp nhận; một số bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nhưng không phát hiện được hoặc khi phát hiện vi phạm thì thời hạn kháng nghị không còn nên Viện kiểm sát không kháng nghị được nhưng cũng không báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền; chưa chú trọng tổng hợp vi phạm để kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm.

Thứ hai, công tác phối hợp với cơ quan Tòa án trong giải quyết án dân sự có lúc chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là phối hợp trong giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp, gặp khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

Thứ ba, một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết án dân sự như: Lĩnh vực tài chính- ngân hàng, bảo hiểm; công chứng; xây dựng cơ bản là lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn nên Kiểm sát viên phải mất nhiêu thời gian nghiên cứu để giải quyết án. Hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, thừa kế, Hôn nhân- gia đình và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành qua các thời kỳ hiện như Luật cải cách ruộng đất năm 1953; Luật đất đai năm 1987, 1993, 2003; Luật HN-GĐ năm 1957 và hệ thống các Nghị định, Thông tư từ những năm 1953 đến nay còn có nhiều nội dung quy định chưa rõ, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật vào giải quyết từng vụ án tranh chấp cụ thể.

Thứ tư, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết án dân sự có lúc thiếu thường xuyên, chặt chẽ, những khó khăn, vướng mắc chậm được khắc phục, tháo gỡ. Mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương cùng với các ngành Tòa án đã ký Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết án dân sự.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đơn vị Phòng 9 đã đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự như sau:

1. Nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên giai đoạn sau khi xét xử sơ thẩm

 - Báo cáo kết quả phiên tòa:  sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo Viện kiểm sát các nội dung cơ bản là: sơ bộ diễn biến phiên tòa, những tình huống phát sinh so với  dự kiến trước phiên tòa và xử lý của kiểm sát đối với tình huống xẩy ra; các kiến nghị đối với Hội đồng xét xử được châp nhận, không được chấp nhận. Nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử, có nội dung nào không phù hợp với báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên với lãnh đạo Viện kiểm sát trước phiên tòa.

- Trong công tác kháng nghị phúc thẩm.

Để xem xét việc kháng nghị phúc thẩm Kiểm sát viên cần nghiên cứu đánh giá nội dung bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phân tích đánh giá mọi tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ pháp luật được Tòa án áp dụng để giải quyết vụ án để phát hiện có hay không có vi phạm trong việc chấp hành thủ tục tố tụng? Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã chính xác chưa? Quyết định của bản án sơ thẩm có vấn đề gì chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cần phải khắc phục? Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải yêu cầu đương sự, cơ quan, cá nhân, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.

+ Tăng cường phối hợp trong công tác kiểm sát: Phân công cán bộ, Kiểm sát viên mở sổ theo dõi, lập Phiếu kiểm sát đầy đủ các bản án, quyết định do Tòa án chuyển đến; khi nhận được bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trực tiếp kiểm sát; đồng thời sao gửi ngay quyết định, bản án cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm xem xét, kiểm sát giải quyết. Cán bộ, kiểm sát viên được phân công phải nâng cao trách nhiệm, kỹ năng phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền. Nhận được các bản án, quyết định chuyển đến, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm phân công Kiểm sát viên nghiên cứu và có quan điểm xử lý đối với bản án, quyết định có vi phạm. Các bản án, quyết định có vi phạm pháp luật bị Viện kiểm sát kháng nghị và được Tòa án chấp nhận, phải ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp huyện.

+ Trên cơ sở vi phạm được phát hiện qua nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, Kiểm sát viên phải cân nhắc sự cần thiết hay không cần thiết phải kháng nghị, nếu vi phạm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì phải kiên quyết kháng nghị. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thực hiện quyền kháng nghị, ngoài việc thực hiện các nội dung trên thì cần trao đổi với Viện kiểm sát cấp dưới đã tham gia kiểm sát giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm để nắm thêm thông tin cho việc xác định vi phạm của Tòa án còn làm cơ sở cho việc kháng nghị phúc thẩm.

Khi đã xác định rõ về những vi phạm của bản án, quyết định dân sự sơ thẩm, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết vụ án làm văn bản báo cáo, đề xuất việc kháng nghị trình Lãnh đạo đơn vị. Sau khi lãnh đạo Viện thống nhất quan điểm, duyệt nội dung thì Kiểm sát viên chỉnh sửa và ban hành kháng nghị.

2. Tăng cường mối quan hệ phối hợp

Thường xuyên phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.

Phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp liên ngành để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chung đồng thời của Viện kiểm sát nói riêng. Kiên quyết kháng nghị, kháng nghị khi phát hiện được vi phạm của Tòa án trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự. Tăng cường việc thông tin báo cáo về các trường hợp cần kháng nghị, trường hợp vụ việc phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau có thể tranh thủ ý kiến Viện kiểm sát cấp trên; đối với trường hợp thời hạn kháng nghị Viện kiểm sát ngang cấp đã hết, thì kịp thời báo cáo để Viện kiểm sát cấp trên có thời gian nghiên cứu, xem xét, quyết định.

3.  Về đào tạo, bồi dưỡng

Để nâng cao năng lực trình độ, nâng cao nhận thức Luật và áp dụng pháp luật, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nghiên cứu học các luật như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình và hệ thống các văn bản pháp luật liên quan để đúc rút kinh nghiệm. Cán bộ, Kiểm sát viên phải nâng cao ý thức học tập, lấy tự học, tự nghiên cứu để vận dụng vào thực tiễn công tác. Đồng thời, thường xuyên rút kinh nghiệm những vụ án bị hủy, bị cải sửa để làm tốt hơn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự.

Đào tạo cán bộ theo hướng chuyên sâu như: Kỹ năng phát hiện vi phạm, kỹ năng tổng hợp vi phạm; đào tạo phải đi đôi với tái đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần cải cách tư pháp.

                                                                                                                         Đinh Thị Tươi
Phòng 9 - VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây