- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định cụ thể việc thi hành tạm giữ tạm giam và đồng thời giúp việc kiểm sát tạm giữ tạm giam được thuận lợi, có căn cứ, chặt chẽ hơn. Tuy vậy, để việc trực tiếp kiểm sát tạm giữ tạm giam đạt kết quả tốt thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần rèn luyện một số kỹ năng, cách làm như sau:
Trước hết mỗi KSV, KTV làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam cần nắm chắc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của VKSND trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật. Thứ hai, mỗi KSV, KTV cần xác định rõ, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì những người bị tạm giữ, tạm giam có thể là những người vô tội, phần lớn họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam lần đầu, bị xốc về tinh thần, bị thiếu thốn về vật chất, rất cần sự quan tâm, công bằng của những người thi hành công vụ. Mặt khác pháp luật quy định VKSND là cơ quan duy nhất kiểm tra, giám sát bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là rất quan trọng, KSV, KTV cần nâng cao trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Có quyết tâm như vậy, mới thắng được sự nể nang, ngại va chạm hay thờ ơ với vi phạm và kiên quyết xác định vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xác định thời điểm kiểm sát:
Việc thi hành tạm giữ, tạm giam là một công việc động, tiến hành bất cứ lúc nào, nên hoạt động kiểm sát cũng cần hết sức linh hoạt, thấy có dấu hiệu vi phạm hoặc có khả năng vi phạm là phải tiến hành kiểm sát, bất kể đêm hay ngày. Còn bình thường thì mỗi ngày phải kiểm sát một lần.
Xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể:
Đây là hoạt động chuẩn bị cần thiết để làm tốt bất kỳ việc nào, nhất là đối với công việc có tính chất tập thể. Xây dựng kế hoạch, phân công phù hợp theo từng loại hình kiểm sát. (Trực tiếp kiểm sát toàn diện; trực tiếp kiểm sát từng nội dung; trực tiếp kiểm sát đột xuất; kiểm sát hàng ngày). Mỗi cuộc trực tiếp kiểm sát, trên cơ sở đã nắm được tình hình chung phải chọn được một hai nội dung trọng tâm để đi sâu làm kỹ trên. Xác định việc nào làm trước, việc nào làm sau. VD: khi đã xác định có dấu hiệu giữ chung buồng tạm giữ người dưới 18 tuổi và người trên 18 tuổi thì cần phải kiểm tra ngay buồng giữ có người dưới 18 tuổi, tránh việc Nhà tạm giữ cho chuyển đổi buồng để tránh vi phạm.
Chia nhỏ công việc, Kiểm sát chặt chẽ các nội dung tương ứng với từng điều Luật, từng quy định của pháp luật. Kết hợp giữa nghiên cứu, ghi nhận, lấy lời khai, sao chụp. Kiểm sát theo hai mảng chính: kiểm tra, xem xét nhà tạm giữ; kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, sổ sách.
Kiểm tra nhà tạm giữ:
- Kiểm tra số người đang bị tạm giữ, tạm giam; điểm danh, kiểm diện, hỏi người bị giam, giữ ( có thể ghi lời khai) ở từng buồng giam, giữ. Ở nội dung này, những vi phạm thường xảy ra: giữ chung buồng người chưa đủ 18 với người đủ 18 tuổi, người trong cùng một vụ án; người bị giam, giữ không được phổ biến quyền và nghĩa vụ, nội quy nơi giam, giữ...
- Kiểm tra việc bảo đảm an toàn trong giam giữ, nhất là bảo đảm không để người bị tạm giữ, tạm giam tự sát, gây thương tích; kiểm tra phát hiện vật cấm. Như kiểm tra cửa, khóa, cửa sổ, tường...Lưu, ý, vi phạm thường xảy ra là: có đinh, hoặc gờ cứng có thể treo móc dây; vật sắc nhọn...
- Kiểm tra việc bảo đảm chế độ cho người bị giam, giữ như: diện tích chỗ nằm (dùng thước đo), có chăn, chiếu, màn, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt không, nước có đủ không, có ánh sáng không.. ... Vi phạm thường xảy ra là: thiếu bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn mặt.
- Kiểm tra rộng: tường bao bảo vệ, việc canh gác, phòng tránh cháy, nổ, bão, úng, vệ sinh, phòng dịch, việc treo nội quy cơ sở giam giữ, việc bố trí phòng thăm gặp...
Kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, sổ sách
- Kiểm tra hệ thống sổ sách: có đủ đầu sổ không (theo quy định là 18 loại ); ghi đủ không? ghi chính xác không?
- Nghiên cứu kỹ hồ sơ giam giữ:
+ Các tài liệu tố tụng: lưu ý căn cứ bắt, giam giữ, thời hạn giam giữ.
+ Các tài liệu thủ tục nơi giam giữ: lưu ý biên bản bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam, biên bản quản lý tài sản...
+ Các tài liệu về nhân thân, sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam.
- So sánh giữ kết quả nghiên cứu hồ sơ, sổ sách và kết quả kiểm tra trực tiếp nhà tạm giữ, tìm ra mâu thuẫn, phát hiện vi phạm (nếu có).
Lưu ý, những vi phạm thường xảy ra: Quyết định tạm giữ xác định sai thời điểm bắt đầu tạm giữ; Biên bản bàn giao không xác định tình hình sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam; Nhà tạm giữ không thông báo việc sắp hết hạn tạm giữ; không ghi đúng, đủ, sổ sách, biểu mẫu...
Hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác này phải hết sức cầu thị, không ngừng học hỏi, rèn luyện thì mới nâng cao chất lượng công tác và mới góp phần nâng cao uy tín, vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong xã hội.
Nguyễn Văn Đoàn Phòng 8 - VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.