Những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo

Thứ ba - 03/07/2018 22:48

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. quy định về  khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp có nhiều nội dung mới và khác so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:

1. Khoản 2 điều 469 quy định mới: Đối với…cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và chương XXXI của Bộ luật này.

Như vậy, từ ngày 01/01/2018 thì những đơn khiếu nại nêu trên không thụ lý giải quyết và kiểm sát việc giải quyết theo trình tự giải quyết tại chương XXXIII KHIẾU NẠI TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ, mà thụ lý giải quyết theo các chương XXI (xét xử sơ thẩm), chương XXII (Xét xử phúc thẩm), chương XXIV (một số thủ tục về thi hành án tử hình, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích), chương XXV (thủ tục giám đốc thẩm), chương XXVI (thủ tục tái thẩm), chương XXXI  (thủ tục rút gọn) của Bộ luật TTHS năm 2015.Tuy nhiên, tại các chương nêu trên không quy định về việc giải quyết đơn KNTC. Do vậy, khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải căn cứ các quy định về thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Chương XXXIII Bộ luật TTHS năm 2015 để phân loại đơn đảm bảo chính xác, xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Thực hiện khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 thì khi nhận được đơn khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì không áp dụng trình tự giải quyết khiếu nại theo Chương XXXIII KHIẾU NẠI TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ mà chuyển đơn đến VKS đã ban hành quyết định hoặc xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết. (Đây là một điểm khác biệt so với luật cũ- Luật cũ quy định khiếu nại cáo trạng phải giải quyết....).

2. Bổ sung  thêm điều mới: Điều 470  quy định về các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại và bổ sung thêm hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại của: cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên (Luật  cũ không có điều này).

3. Bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo

Bổ sung thêm quyền của người khiếu nại: thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (điều 472).

Bổ sung thêm nghĩa vụ của người tố cáo: cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc tố cáo (Điều 479).

4. Bổ sung thêm quyền của người bị khiếu nại, tố cáo

Bổ sung thêm quyền của người bị khiếu nại: Được thông báo về nội dung khiếu nại (Điều 473);

Bổ sung thêm quyền của người bị tố cáo: được nhận quyết định giải quyết tố cáo (Điều 480).

5. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam (Điều 474)

Quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng các cấp; quy định cụ thể thời gian giải quyết khiếu nại đối với lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh được giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại (luật cũ quy định giải quyết ngay)

Đồng thời còn quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án giải quyết khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử (Luật cũ không quy định).

6. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại (các điều 475, 476, 477) Quy định chi tiết, cụ thể hơn và bổ sung cá nhân bị khiếu nại là cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên.

Đồng thời quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại là của người đứng đầu đơn vị: Viện trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Chánh án Tòa án và quy định quyết định giải quyết lần hai là quyết định có hiệu lực pháp luật (Luật cũ quy định là quyết định giải quyết cuối cùng).

7. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo (Điều 481)

Quy định chi tiết, rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo; thay cụm từ trách nhiệm giải quyết bằng cụm từ thẩm quyền giải quyết.

Rút ngắn thời hạn giải quyết tố cáo:: thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày … - so với luật cũ rút ngắn hơn 30 ngày (Luật cũ quy định là 60 ngày).

Quy định cụ thể hơn về thời hạn giải quyết tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố là trong vòng 24 giờ kể từ ngày nhận được tố cáo…(Luật cũ quy định phải giải quyết ngay).

Quy định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo là của người đứng đầu đơn vị: Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án. Do vậy, nếu quyết định giải quyết tố cáo do cấp phó ký, không phải là ký thay do được ủy quyền là trái thẩm quyền thì cần phát hành kháng nghị, kiến nghị hoặc yêu cầu tự kiểm tra việc giải quyết tố cáo.

Quy định thêm thẩm quyền giải quyết của Chánh án Tòa án các cấp (Luật cũ không có):

8.Bổ sung trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết KNTC   

Bổ sung thêm khoản 3 điều 482: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo về việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết KN, TC cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền (Luật cũ không quy định).

Đây là một điểm mới, các cơ quan tư pháp thụ lý giải quyết đơn KNTC trong tố tụng hình sự mà không thông báo cho VKS biết việc tiếp nhận, kết quả giải quyết thì VKS có quyền kiến nghị hoặc áp dụng biện pháp kiểm sát.

9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ( điều  483)

Quy định chi tiết hơn BLTTHS 2003: Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.

Bổ sung: Ban hành kết luận kiểm sát; thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Luật cũ không quy định).

Đồng thời bổ sung quy định: Viện kiểm sá cấp trên có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát các cấp (Luật cũ không có)

Trên đây là một số điểm mới cơ bản về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, được quy định tại chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

                                                                                                                Nguyễn Tiến Thành
Phòng 12 - VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây