Cái giá phải trả cho một phút nóng giậ

Thứ năm - 06/09/2018 22:45

Cái giá phải trả cho một phút nóng giậ

Nguyễn Quốc Toản, sinh năm 1968 và Phương Kim Chiến, sinh năm 1976 đều là lái xe taxi, trú tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 04/8/2017, Toản điều khiển xe ra khu vực quán nước ở gầm cầu vượt Quốc lộ 5A, thuộc địa phận thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng thì thấy xe ôtô của người khác đỗ vào vị trí hàng ngày Toản vẫn đỗ nên Toản bảo người này lái xe ôtô ra chỗ khác. Thấy vậy, Chiến đi ra chỗ xe Toản đang đỗ, bảo Toản “chỗ còn nhiều, đỗ chỗ nào chẳng được”. Toản nói lại Chiến nội dung đỗ chỗ nào là việc của Toản, không phải việc của Chiến, rồi hai người xảy ra xô xát, cãi nhau. Chiến đi vào quán nước gần đấy lấy 01 điếu cày bằng tre, thân bọc inox dài 56cm chạy ra để đánh Toản, Toản cũng mở cốp xe lấy ra một gậy kim loại màu trắng, dài 93cm, đường kính 2,7cm và hai người xông vào đánh nhau. Quá trình đánh nhau, Chiến cầm điếu cày vụt về phía đầu Toản, Toản đưa tay trái lên đầu đỡ thì bị gãy kín xương trụ cẳng tay trái và rách da vùng đỉnh đầu, còn Toản thì dùng gậy kim loại vụt nhiều nhát vào tay và người Chiến. Hậu quả: Toản bị gãy kín xương trụ cẳng tay trái và rách da vùng đỉnh đầu, mức độ tổn hại sức khỏe 14%, Chiến bị thương tích gẫy xương bàn IV, đốt I, ngón III tay trái, mức độ tổn hại sức khỏe 12%.

 
(bị cáo tại phiên tòa)

Tại phiên tòa, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối cải, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng xét thấy chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ mà các bị cáo gây sự, đánh lộn lẫn nhau tại nơi công cộng, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của các bị cáo. Hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến sức khỏe của người khác, là một những khách thể quan trọng được nhà nước bảo vệ mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, gây tâm lý hoang mang cho người dân sống trong khu vực. Cho dù các bị cáo đã nhận ra sai lầm nhưng vẫn phải xử phạt nghiêm nhằm giáo dục phòng ngừa, răn đe chung cho toàn xã hội. Sau khi nghị án, HĐXX nhận xét để giáo dục các bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội, cần phải xử phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc là cách ly khỏi xã hội một thời gian nên đã tuyên phạt mỗi bị cáo 26 tháng tù.
Sau khi nghe Tòa tuyên án, các bị cáo cúi mặt, hối hận về hành vi phạm tội của mình. Trước cảnh tượng này, những người tham dự phiên tòa đều rất thương cảm. Tuy nhiên đây là cái giá mà các bị cáo phải trả cho một phút nóng giận, không kiềm chế được bản thân mà gây nên tội lỗi. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đừng vì một phút nóng giận mà phải trả giá trong sự hối hận muộn màng.

                                                                                      Lê Thị Hạnh
VKSND huyện Cẩm Giàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây