Một số biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch công tác

Thứ tư - 06/10/2021 00:16

Kế hoạch là một tập hợp những hoạt động, công việc được sắp xếp theo trình tự nhất định để đạt được mục tiêu đã đề ra. Kế hoạch là tiêu chuẩn, là thước đo kết quả so với những gì đã đề ra. Việc xây dựng kế hoạch là một bước quan trọng trong việc tạo nên nền tảng cho quá trình thực hiện mục tiêu có tính thực tế của đơn vị.

Trong thời gian qua, chất lượng xây dựng Kế hoạch công tác của ngành đã từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn có những hạn chế. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch công tác nên Văn phòng tổng hợp VKSND tỉnh Hải Dương đã luôn chú trọng, nâng cao chất lượng công tác công tác tham mưu trong việc xây dựng các Kế hoạch công tác của đơn vị, đặc biệt là Kế hoạch công tác kiểm sát năm... Đơn vị đã chủ động nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình công tác của Viện KSND tối cao để tham mưu giúp Lãnh đạo Viện xây dựng Kế hoạch, Chương trình công tác đúng trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tốt nhiệm vụ của Ngành và yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương; ... Từ thực tiễn tổ chức thực hiện, xét thấy để xây dựng một bản Kế hoạch có chất lượng phải đảm bảo các yếu tố cơ bản đó là: mục đích, yêu cầu, căn cứ và nội dung; cụ thể như sau:

- Mục đích xây dựng kế hoạch, công tác: Phải đảm bảo các yếu tố:

+ Thứ nhất Bảo đảm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành.

+ Thứ hai Bảo đảm cho các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, chính xác, sát với tình hình thực tiễn và khả năng công tác của từng cấp, từng đơn vị.

+ Thứ ba Giúp Lãnh đạo Viện làm căn cứ trong việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác của các đơn vị; kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện.

+ Thứ tư Góp phần nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hiện công tác của từng cấp kiểm sát, từng đơn vị và công chức trong ngành.

- Yêu cầu của xây dựng kế hoạch, chương trình công tác:

+ Phải đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Yêu cầu này đòi hỏi kế hoạch công tác của các đơn vị phải phù hợp với kế hoạch của VKSND tối cao; các nội dung, chỉ tiêu trong kế hoạch công tác của các đơn vị không được trái với các mục tiêu, nội dung của VKSND tối cao đã đề ra.

+ Phải bám sát các yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, bám sát các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra trong từng thời gian cụ thể; tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng thực hiện của đơn vị. Yêu cầu này đòi hỏi đơn vị tham mưu phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của VKSND tối cao, điều kiện, khả năng của từng đơn vị để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ sát hợp và khả thi của kế hoạch công tác.

+ Phải xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ một cách tổng thể, toàn diện; đồng thời, phải có trọng tâm, trọng điểm.

+ Phải xác định được những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong từng khâu công tác, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và có những biện pháp cụ thể, đột phá để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng bộ phận, xác định thời gian hoàn thành và yêu cầu cụ thể đối với từng nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch, chương trình công tác “định việc, định người, định thời gian, định yêu cầu khi thực hiện”.

+ Khi đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể trong kế hoạch, chương trình công tác, cần thảo luận, tham gia ý kiến của các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ đó; giúp cho nội dung kế hoạch, công tác sát đúng hơn với thực tiễn và tính khả thi cao trong tổ chức thực hiện.

- Căn cứ để xây dựng kế hoạch công tác

+ Chức năng, nhiệm vụ của VKSND quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức VKSND và các đạo luật khác. Đây là vấn đề cơ bản để xác định nội dung kế hoạch công tác ở các cấp kiểm sát. Nếu không nắm vững các quy định của pháp luật đối với VKSND thì sẽ không xác định được mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời cũng không xác định được trọng tâm, trọng điểm trong toàn bộ kế hoạch và trong từng khâu công tác cụ thể.

+ Chủ trương, đường lối của Đảng, các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra trong từng giai đoạn, thời gian cụ thể liên quan đến VKSND. Yêu cầu này đòi hỏi đơn vị tham mưu phải nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng (văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, kết luận…), chính sách, pháp luật Nhà nước (luật, pháp lệnh, nghị quyết…) khi dự thảo kế hoạch công tác.

+ Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và kế hoạch công tác của ngành. Khi xây dựng kế hoạch công tác phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao đối với công tác từng năm hoặc trong từng lĩnh vực công tác cụ thể.

+ Khả năng về tổ chức, bộ máy, biên chế, điều kiện, phương tiện vật chất của đơn vị. Đây là một căn cứ để bảo đảm tính khả thi trong xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác. Phải dựa trên cơ sở khả năng, điều kiện và lực lượng hiện có để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho từng đơn vị trong ngành mới có khả năng hoàn thành kế hoạch công tác đã đề ra.

Cùng với việc xem xét các yếu tố chủ quan, khi xây dựng kế hoạch công tác, cần cân nhắc các yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch của từng cấp, từng đơn vị.

- Nội dung kế hoạch công tác:

Trong ngành có nhiều loại kế hoạch công tác khác nhau; nhưng có ba loại kế hoạch chính là Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch có tính chất định hướng và Kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn. Nội dung Kế hoạch công tác thường có ba phần (Phần 1: Mục đích, yêu cầu; Phần 2: Nội dung kế hoạch; Phần 3: Tổ chức thực hiện). Trong đó cần lưu ý: Phần nội dung Kế hoạch cần nêu cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện; đồng thời đưa ra các biện pháp thực hiện đối với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong tổ chức thực hiện cần quy định cụ thể nhiệm vụ của từng cấp kiểm sát, từng đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ trong việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác; xác định rõ thời gian thực hiện, hoàn thành; thời gian sơ kết, tổng kết công tác; phân công đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp, người theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch./.

                                                                                                       VĂN PHÒNG TỔNG HỢP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây