- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 đã chỉ rõ: “Viện trưởng VKS các cấp phải tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chinh, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Đây là khâu công tác còn nhiều hạn chế, yếu kém, do đó cần coi trọng việc lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện công tác này…”. Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 14/01/2019 của Viện KSND tỉnh Hải Dương đã xác định nhiệm vụ đột phá năm 2019 là: “Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá năm 2019, Viện KSND huyện Bình Giang đã xây dựng chương trình thực hiện nhiệm vụ đột phá với những giải pháp cụ thể mang tính khả thi, phù hợp với tình hình của đơn vị để thực hiện. Kết quả thực hiện nhiệm vụ đột phá năm 2019 của đơn vị đã đạt được như sau: Đã kiểm sát chặt chẽ 196 Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án; Kiểm sát 100% bản án, quyết định giải quyết của Tòa án. Qua hoạt động kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát. Đã phát hành 04 kháng nghị, gồm: KDTM 2 (cũ 1, mới 1), DS 02 (mới 2), các dạng vi phạm: đưa thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng trong thu thập và đánh giá chứng cứ.... Cấp phúc thẩm đã xét xử hủy án sơ thẩm 3 vụ (DS 1, KDTM 2), còn 01 vụ đang chờ xét xử; phát hành 05 kiến nghị đối với Tòa án (DS 4, KDTM 1); phát hành 12 yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ (DS 5, HNGD 4, KDTM 3), các kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát đã được tiếp thu, thực hiện nghiêm túc. Đã phối hợp với Tòa án tổ chức 03 phiên tòa tự rút kinh nghiệm, qua mỗi phiên tòa đã chỉ ra một cách toàn diện, sâu sắc và thực tế về kỹ năng, trình độ của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự.
Để đạt được những kết quả nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã thực hiện tốt những giải pháp sau đây:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Bộ luật dân sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015 và các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Thông tư liên tịch số 02, 03 hướng dẫn thi hành luật; Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSNDTC), Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao), danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSNDTC); Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao về việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, HN&GĐ, hành chính, KDTM, LĐ rút kinh nghiệm; Quy định về quy trình kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính (Ban hành kèm theo Quyết định số 286/QĐ-VKSTC ngày 08/7/2019 của Viện trưởng VKSNDTC); Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm (Ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng VKSNDTC); Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 17/10/2019 của Viện KSND tối cao về hướng dẫn phát hiện vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết các vụ việc dân sự, thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm...
- Nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa. Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc các yêu cầu của các đương sự và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Qua nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải xác định: quan hệ pháp luật tranh chấp; yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn có yêu cầu phản tố không; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không. Tòa án đã đưa đủ người tham gia tố tụng chưa? đã thu thập đầy đủ chứng cứ chưa? Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên tìm ra mâu thuẫn giữa các chứng cứ, mâu thuẫn giữa các lời khai của đương sự, những nội dung cần phải làm rõ để dự thảo đề cương hỏi. Căn cứ vào kết quả hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa và dự thảo đề cương hỏi, Kiểm sát viên phải chủ động hỏi các đương sự, người đại diện, người làm chứng nhằm làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án. Nếu tại phiên tòa có tài liệu, chứng cứ mới có thể làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án cuả Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải báo cáo ngay Lãnh đạo viện để xem xét. Khi Hội đồng xét xử tuyên án, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ, nhất là phần nhận định và quyết định. Kiểm sát viên đối chiếu đường lối giải quyết vụ án của Tòa với quan điểm giải quyết của Viện kiểm sát, kịp thời phát hiện những vi phạm để đề xuất kháng nghị kịp thời. Sau phiên tòa, phải kiểm sát chặt chẽ thời hạn gửi bản án, quyết định, gửi Thông báo kháng cáo của Tòa án cho Viện kiểm sát. Chú ý nghiên cứu kỹ nội dung kháng cáo của đương sự để đề xuất nội dung kháng nghị nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự.
- Nâng cao chất lượng việc thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, trong đó chú trọng quyền yêu cầu của Kiểm sát viên theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS: Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của BLTTDS. Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Phòng nghiệp vụ: Đối với các vụ án ly hôn mà không rõ bị đơn ở đâu, nhất thiết phải có văn bản yêu cầu Tòa an đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh-Bộ Công an cung cấp thông tin xuất nhập cảnh của đươngg sự để xác định đúng thẩm quyền giải quyết.
- Tiếp tục nâng cao trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo đơn vị đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nói chung và công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự nói riêng. Viện trưởng duyệt 100% các vụ án Tòa án đưa ra xét xử, chỉ đạo những nội dung Kiểm sát viên cần hỏi tại phiên tòa, chỉ đạo việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 BLTTDS để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Kế hoạch số 36/KH-VKS-P9 ngày 22/6/2016 của Viện KSND tỉnh Hải Dương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC. Đơn vị xác định công tác kháng nghị là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại. Quá trình nghiên cứu, kiểm sát bản án, cần chú trọng phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể. Những vụ án khó, phức tạp, có vướng mắc, cần được đưa ra thảo luận để đưa ra đường lối giải quyết chính xác, thuyết phục. Đối với bản kháng nghị phải thực hiện đúng theo mẫu của VKSND tối cao, nội dung kháng nghị phải phân tích, lập luận rõ vi phạm của Tòa án, phải xác định rõ Tòa án vi phạm vào điểm, khoản, điều nào của vản bản quy phạm pháp luật và gây ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải có ý thức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm để bồi dưỡng kỹ năng đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm phải thực hiện nghiêm túc theo Hướng dẫn số 32 ngày 30/11/2018 của Viện KSND tối cao và hướng dẫn của Phòng nghiệp vụ.
- Thực hiện tốt quan hệ phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp huyện trong việc kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Phải gửi kịp thời, đúng thời hạn bản sao bản án, quyết định (hoặc scan ngay qua hộp thư điện tử của ngành) cho Phòng nghiệp vụ để Phòng kịp thời tháo gỡ vướng mắc và định hướng nghiên cứu phát hiện vi phạm.
Nguyễn Thị Hoa KSND huyện Bình Giang |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.