Bàn về Quy định của Viện KSND tối cao về việc Hỏi cung, Phúc cung bị can khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố

Thứ năm - 07/05/2020 23:15

Bàn về Quy định của Viện KSND tối cao về việc Hỏi cung, Phúc cung bị can khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố

Ngày 17/4/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số  111 /QĐ-VKSTC Ban hành Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố. Quy chế quy định cụ thể các trường hợp Kiểm sát viên phải hỏi cung, phúc cung bị can, ghi lời khai đượng sự, nhằm chống oan, sai bỏ lọt tội phạm, phát hiện, xử lý, yêu cầu xử lý kịp thời vi phạm pháp luật của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng


Ảnh nguồn Internet

Quy định về hỏi cung phúc cung tại Quyết định số  111 /QĐ-VKSTC

1.Hỏi cung bị can, trong giai đoạn điều tra, truy tố

Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung (Điều 50) a) Bị can kêu oan;b) Bị can khiếu nại hoạt động điều tra;c) Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật;d) Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; Tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; Có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can.Trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

Kiểm sát viên có thể trực tiếp tham gia hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, Cán bộ điều tra (Điều 50)  (1) Phát hiện mâu thuẫn giữa lời khai của bị can với lời khai của người tham gia tố tụng khác, với chứng cứ khác nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh. (2) Có dấu hiệu bức cung, mớm cung, dụ cung, phát hiện tình tiết mới, những điểm chưa rõ và yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra hỏi làm rõ. (3) Nếu thấy việc hỏi cung chưa đạt yêu cầu.

Trong giai đoạn truy tố (Điều 69): Kiểm sát viên phải hỏi cung bị can trong các trường hợp: a) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện; b) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố; c) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Ghi lời khai khi xét phê chuẩn Lệnh, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều tra

Khi xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 15) (1) Có dấu hiệu lạm dụng việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Chưa đủ căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp. (2) Người bị giữ không nhận tội, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ có mâu thuẫn. (3) Người bị giữ là người nước ngoài, người có chức sắc trong tôn giáo, là nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. (4) Trong trường hợp cần thiết khác thì Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi người bị giữ trước khi báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc phê chuẩn.

Khi xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can (Điều 46) (1) Người bị bắt lúc nhận tội, lúc không nhận tội, tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn hoặc chưa rõ. (2) Người bị tạm giữ lúc nhận tội, lúc không nhận tội, tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn hoặc chưa rõ. (3) Người bị khởi tố lúc nhận tội, lúc không nhận tội, tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn hoặc chưa rõ. (4) Trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục theo quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật TTHS.

2.Phúc cung bị can trước khi kết thúc điều tra

Kiểm sát viên phúc cung bị can khi thấy cần thiết  trước khi kết thúc điều tra, sau khi đã phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra tổng hợp, đánh giá kết quả hỏi cung trước khi kết thúc điều tra (Điều 50).

Từ quy định trên có thể xác định được:

Thứ nhất Về thời điểm Kiểm sát viên Hỏi cung bị can (phải hỏi, có thể hỏi) trong giai đoạn điều tra, truy tố. Kiểm sát viên chỉ phúc cung bị can khi thấy cần thiết  trước khi kết thúc điều tra. Hỏi cung và phúc cung mục đích khác nhau, nên cách thức, phương pháp, nội dung khác nhau.

Thứ hai Về nội dung, hình thức Nếu như khi hỏi cung để làm rõ hành vi phạm tội của bị can, Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 183, Điều 184 Bộ luật TTHS; thì khi phúc cung Kiểm sát viên  chỉ  kiểm tra, đánh giá kết quả hỏi cung trước đó và chưa được Bộ luật TTHS quy định.

Thứ ba Quy định về hỏi cung, phúc cung bị can tại quy chế 111 có mâu thuẫn Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 (chỉ thị 05) của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, hay không?

Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra đối với ngành Kiểm sát theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, trong đó quy định: (1)Trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án: (1.1)Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. (1.2) Trường hợp người bị bắt, người bị khởi tố không nhận tội. (1.3) Tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn. (2)Trong giai đoạn truy tố: phải phúc tra lại các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh giá chính xác khách quan cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Trước khi quyết định việc truy tố, nếu cần thiết thì trực tiếp hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng; Như vậy nội dung Quy chế 111 không mâu thuẫn nội dung Chỉ thị 05.

Nội dung thực hiện việc phúc cung đối với tất cả các vụ án hình sự trước khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng, tại Chỉ thị 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về Tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự, thực hiện như thế nào? Chúng tôi cho rằng phải tiếp tục thực hiện, nhưng cần xác định rõ phạm vi phúc cung, nội dung phúc cung đảm bảo phù hợp quy định tại Chỉ thị 05, Quy chế 111; phúc cung phải thực chất, đúng mục đích tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, qua đó chống oan, sai bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

                                                                                                                         Nguyễn Quang Trung
P7- VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây