Một số điểm mới của Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố

Thứ tư - 29/04/2020 05:55

Một số điểm mới của Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố

Ngày 17/4/2020 Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Quy chế 111); Quy chế có hiệu lực kể từ ngày 17/4/2020. So với Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 03), có một số điểm mới như sau:


Ảnh nguồn: internet

Thứ nhất: Về bố cục kết cấu: Quy chế 111 có 10 chương, 86 điều, nhiều hơn 01 chương, 23 điều so với Quy chế 03, tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát, Kiểm sát viên các cấp thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.

(1) Quy chế 111 đã tích hợp nội dung 03 quy chế nghiệp vụ do Viện trưởng VKSND tối cao ban hành, đó là: Quy chế 03; Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định. Với nhiều quy định cụ thể tạo thuận lợi cho hoạt động Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, của VKSND các cấp (Chương II, từ Điều 26 đến Điều 36; chương IV, từ Điều 38 đến Điều 43).

(2) Quy chế 111 quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp kiểm sát, Kiểm sát viên các ngạch khi thực hiện nhiệm vụ; Quy định rõ ràng nhiệm vụ trong 04 giai đoạn kiểm sát (1). Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm do người phạm tội tự thú hoặc những thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện cũng được thực hiện theo quy định của Quy chế này; (2). Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố;(3). Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra;(4).Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố.

(3) Quy định mục đích công tác cụ thể, đảm bảo không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, hoạt động điều tra, truy tố theo đúng Luật định (Quy chế 03 không quy định).

(4) Quy định nội dung cần quan tâm theo thứ tự điều luật, như: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, vụ việc và giữ bí mật kiểm tra, xác minh, bí mật điều tra được quy định ngay tại Điều 12 (Quy chế 03 quy định tại Điều 34) hoặc quy định tại Điều 13 Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc phải kịp thời phát hiện, theo dõi, tổng hợp vi phạm pháp luật của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra để yêu cầu khắc phục(Quy chế 03 quy định tại Điều 43); Xử lý, kiến nghị xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự quy định tại Điều 14 (Quy chế 03 quy định tại Điều 54)

 (5) Quy định cụ thể về thời hạn Viện kiểm sát phải ra quyết định, như Điều 7 quy định: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hoặc quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải ra quyết định phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc, Quy chế 03 không quy định thời gian.

Điều 44 quy định Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan, Kiểm sát viên được phân công phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự để xem xét, xử lý như­ sau

(6) Về Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh: Điều 20 quy định: Nếu có căn cứ xác định việc bị can có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài mà Cơ quan điều tra không ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và gửi ngay cho Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

(7)Về Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn Điều 21 quy định: Trường hợp chưa hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xét thấy không cần thiết tạm giữ thì căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ; nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện, nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát thực hiện.

(8) Về Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc định giá tài sản, Điều 37 quy định Nếu phát hiện người định giá tài sản thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá tài sản thay đổi người định giá tài sản.... Nếu thấy cần làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra để yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá, hỏi thêm về những tình tiết cần thiết theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự.

(9) Về Đề ra yêu cầu điều tra, Điều 47 quy định Trường hợp thấy có những vấn đề cần điều tra mà Điều tra viên chưa thực hiện thì Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra....Đối với vụ án thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không cần thiết phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản.

(10) Về Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Điều 48 quy định Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra (trường hợp áp dụng theo thủ tục rút gọn thì Kiểm sát viên không cần thiết phải xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra) (Quy chế 03 quy định: Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra)

(11) Về Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra, Điều 47 quy định bám sát quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự (khi Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản, nhưng không được Cơ quan điều tra thực hiện).

(12) Về Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ủy thác điều tra: Quy chế 03 không quy định,  Điều 55 đã  quy định Khi nhận được quyết định ủy thác điều tra mà xét thấy hoạt động điều tra được ủy thác phức tạp, kéo dài, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác phải phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác. Khi kết thúc hoạt động điều tra được ủy thác thì Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra

(13) Xây dựng (Điều 62) về việc Theo dõi, quản lý việc tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can (Quy chế 03, nội dung này được quy định tại Điều 39 Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra, truy nã bị can)

(14) Về  Kiểm sát việc kết thúc điều tra, Điều 63 quy định thời gian, nội dung hoạt động kiểm sát, phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

(15) Xây dựng (Điều 66) về việc Chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu; thống kê, đóng dấu và đánh số bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xác định rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên, phương pháp, nội dung khi Kiểm sát tài liệu, biên bản điều tra, truy tố

(16) Giai đoạn truy tố

 - Quy định cụ thể việc Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trong giai đoạn truy tố tại Điều 68, trong đó có việc tiếp tục sử dụng Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra;

- Quy định rõ các trường hợp Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố và nội dung, cách thức thực hiện hoạt động của Kiểm sát viên (Điều 69).

 (17) Quy định việc Thực hiện chế độ báo cáo trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, tại  Điều 81 (Quy chế 03 không quy định cụ thể).

Thứ hai: Ngoài vụ án, còn có vụ việc phức tạp, có khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết, Ủy ban kiểm sát có thể tư vấn theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND tỉnh.(Điều 5 Quy chế 111). Điều 4 Quy chế 03 quy định: Đối với vụ án nghiêm trọng, phức tạp, án trọng điểm.

Với nhiều nội dung quy định mới, nội dung được quy định cụ thể hơn, sát với quy định của Thông tư liên tịch, các văn bản quy phạm pháp luật khác; Quy chế 111 chắc chắn là Cẩm nang cho Kiểm sát viên trong Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố./.

                                                                                                                        Nguyễn Quang Trung
Phòng 7- VKSND tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây