Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ ba - 28/05/2024 06:00
Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định cụ thể nguyên tắc hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
 Hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sựLuật Tố tụng hành chính. Có thể coi đây là một hoạt động tiền tố tụng có nhiều mục đích ý nghĩa như: góp phần làm giảm số vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết, tiết kiệm chi phí cho các đương sự cũng như bảo mật thông tin cho các bên có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 và Điều 37 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án; Việc kiến nghị phải bằng văn bản và gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành”.
Để thực hiện có hiệu quả quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, cần chú ý đến các nội dung như sau:
Thứ nhất, thời hạn ban hành Quyết định: Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và tài liệu kèm theo. Quá thời hạn này mà Thẩm phán chưa ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Viện kiểm sát cần phải ban hành kiến nghị.
Thứ hai, thẩm quyền ra Quyết định: Căn cứ khoản 2 Điều 32 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xem xét ra Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Do vậy, nếu chủ thể ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không phải là Thẩm phán được phân công thì Viện kiểm sát có quyền ban hành văn bản kiến nghị.
Thứ ba, thời hạn gửi Quyết định: Theo khoản 4 Điều 32 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Thứ tư, về hình thức và nội dung Quyết định: Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại ban hành kèm theo 11 biểu mẫu liên quan đến hòa giải và 11 biểu mẫu liên quan đến đối thoại.
Về nội dung của Quyết định, Kiểm sát viên cần chú trọng nghiên cứu các nội dung sau: căn cứ pháp lý, nhận định và phần quyết định trong Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án có phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định của nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự và phù hợp với nội dung biên bản ghi nhận kết quả hòa giải hay không. Xem xét vụ việc có thuộc một trong các trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 19 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án hay không.
Đồng thời, Kiểm sát viên cần kiểm tra các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án Theo Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án gồm: 1. Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. 2. Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất. 3. Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Khi Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Thẩm phán vi phạm các điều kiện nêu trên Viện kiểm sát cần kiến nghị đối với Tòa án.
                                                                 Nguyễn Quang Hưng
VKSND huyện Thanh Hà
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây