Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 29 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Thực hiện tốt công tác này nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân.
Trong thời gian qua, lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương luôn quan tâm chú trọng, thường xuyên đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đảm bảo đúng về trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và của Ngành; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo do vậy chất lượng công tác ngày càng được nâng lên, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm phạm pháp luật. Kết quả đạt được 10 tháng năm 2024, VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương tiếp 200 lượt công dân; đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.024 đơn thư, trong đó đã thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền 16 đơn (tỷ lệ giải quyết đạt 100%), không xảy ra tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho VKSND cấp huyện nhất là trong công tác phân loại, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thông báo rút kinh nghiệm để khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền. Do vậy, công tác phân loại, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát hai cấp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bản tỉnh Hải Dương.
Qua thực tiễn công tác giải quyết, bản thân tôi còn nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, thiếu sót như sau:
Thứ nhất, một số Lãnh đạo VKSND cấp huyện trong công tác chỉ đạo điều hành đối với khâu công tác này có thời điểm, có việc còn chưa kịp thời kiểm tra đôn đốc công chức, Kiểm sát viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, Kiểm sát viên được phân công thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có sự luân chuyển, điều động; một số cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, nắm bắt các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn của Ngành về công tác này còn hạn chế. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý giải quyết đơn của Kiểm sát viên có trường hợp còn lúng túng.
Thứ hai, việc áp dụng đạo luật, văn bản hướng dẫn: Quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát nhân dân (cùng cấp là 07 ngày, cấp trên là 15 ngày) tại Điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự là quá ngắn, dẫn đến vi phạm về thời hạn hoặc việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại sơ sài, chưa xem xét đầy đủ được các nội dung, tình tiết có liên quan, không giải quyết triệt để vấn đề bị khiếu nại.
Thứ ba, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng Hành chính năm 2015 chỉ quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, không quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2, do vậy không có căn cứ xác định vi phạm thời hạn giải quyết.
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSHD hai cấp tỉnh Hải Dương trong thời gian tới xin chia sẻ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015; thông tư Liên tịch của Liên ngành Trung ương và Quy chế, Quy trình của Ngành.
Hai là, tăng cường công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Chú trọng hoạt động đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài (nếu có), đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho công dân.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra VKSND cấp huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bốn là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ, Kiểm sát viên phải tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu.
Năm là, các đơn vị nghiệp vụ VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo Quy chế số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Lưu Nam Thương
Thanh tra- Khiếu tố