Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông

Thứ tư - 22/04/2020 23:27

Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP) trong đó có nhiều điểm mới, quy định rõ hơn và tăng mức tiền phạt so với trước đây.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi tung tin sai sự thật, giả mạo
trên mạng xã hội bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (nguồn: internet)

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi (Khoản 1 Điều 101):

Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

 Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

 Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm


Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về gửi, phát tán tin rác (nguồn: internet)

Nghị định 15/2020/NĐ-CP bổ sung mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng; phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận…

Đặc biệt, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận. Riêng đối với trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ có hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác thì sẽ bị phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với cùng hành vi vi phạm, mức phạt đối với cá nhân bằng một nửa so với vi phạm của tổ chức.

Theo khoản 3, Điều 35, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Tổ chức hoặc cho phép người sử dụng internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng internet và thông tin trên mạng; để người sử dụng internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, bên cạnh hình thức cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như: Tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 24 tháng...  

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
                                                                                                                                                   BBT (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây