Những bất cập về quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Thứ ba - 27/09/2016 21:11
Theo quy định của BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011 tại Chương XIII về Hòa giải và chuẩn bị xét xử, thì tại điều 183, 184, 185,185a chỉ quy định trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán phải tiến hành phiên hòa giải. Do vậy trước khi BLTTDS năm 2015 thì khi giải quyết vụ án dân sự, Thẩm phán ra Thông báo phiên hòa giải và tiến hành lập biên bản hòa giải, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không hòa giải được. Đồng thời trong 1 vụ án, thì Thẩm phán tiến hành hòa giải nhiều lần, để giải quyết vụ án.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2016 tại Chương XIII về thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử có sự thay đổi khác với BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, đó là: Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 208). Theo đó thì về trình tự thủ tục Thẩm phán phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ sau đó mới được tiến hành hòa giải (Điều 210).
Tuy nhiên khi nghiên cứu và đối chiếu với các quy định khác, thấy có một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất: Tại phiên họp này Thẩm phán phải kiểm tra xem việc đương sự có giao nộp chứng cứ cho các đương sự khác chưa. Do vậy bắt buộc Thẩm phán phải hỏi đương sự xem đã giao nộp các chứng cứ cho đương sự khác chưa. Vì theo quy định tại khoản 5 điều 96 BLTTDS thì đương sự phải có nghĩa vụ sao gửi các tài liệu chứng cứ cho các đương sự khác. Do vậy nếu đương sự chưa gửi (do không biết) hoặc cố tình không gửi, thì các tài liệu chứng cứ đó có hợp pháp hay không, như thế có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không? Trách nhiệm của Thẩm phán khi đó như thế nào, Thẩm phán có tiếp tục lập biên bản hòa giải không?
Thứ hai: Theo nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự (điều 10 BLTTDS năm 2015). Thì do vụ án phức tạp, nên Thẩm phán phải tiến hành nhiều phiên hòa giải, nếu theo quy định tại điều 208 BLTTDS năm 2015, thì có phải nhất thiết mỗi lần hòa giải Thẩm phán đều phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không. Ví dụ: Tòa án hòa giải lần thứ 1 hoặc 2, nhưng Tòa án chỉ lập biên bản hòa giải mà không lập biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó đến lần cuối cùng mới lập biên bản về việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, thì có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không?
Nếu bắt buộc phải lập biên bản về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó mới lập biên bản hòa giải, thì đương sự sẽ bị mất quyền yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập. Vì tại điều 200 và 201 BLTTDS năm 2015, thì đương sự chỉ được đưa ra yêu cầu độc lập hoặc yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp này, do trên thực tế khi mở phiên họp hoặc sau khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ các đương sự mới biết và đưa ra yêu cầu độc lập hoặc yêu cầu phản tố, nếu Tòa án thụ lý thì lại vượt quá phạm vi khởi kiện vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà không thụ lý thì không giải quyết triệt để trong cùng 1 vụ án.
Trên đây là một số vướng mắc về thủ tục hòa giải theo quy định của BLTTDS năm 2015 nên chúng tôi đưa ra để các đồng chí cùng tham khảo và có ý kiến cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện./.