Những việc cần làm để thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc Hội trong việc Miễn hình phạt
Thứ ba - 04/10/2016 04:19
Sau khi Quốc Hội khóa 13 biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 thì Quốc Hội đã ban hành Nghị Quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sau đó đến ngày 29/6/2016 Quốc Hội lại ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13, và ngày 30/6/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ – HĐTP về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề miễn chấp hành hình phạt. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng ra các văn bản hướng dẫn như: Hướng dẫn số 172/VKSTC-V14 ngày 18/01/2016 của VKSNDTC, Công văn số 80/TANDTC-PC ngày 29/3/2016 của TANDTC… Qua đó đòi hỏi cán bộ, KSV làm công tác Kiểm sát thi hành án hình sự cần phải nghiên cứu thực hiện nghiêm những văn bản đó.
Trước hết về việc nghiên cứu:
Chúng ta cần nghiên cứu kỹ và nhận thức rõ là: So với Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì Nghị quyết số 144/2016/QH13 qui định về vấn đề miễn hình phạt rộng hơn. Chẳng hạn các điểm d,đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 chỉ qui định miễn hình phạt đối với một số tội (không có tội Đánh bạc) và người dưới 16 tuổi trong một số trường hợp; còn Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì qui định thực hiện các qui định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, các qui định tại điểm b, khoản 1, khoản 2 Điều 1 và các qui định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị Quyết số 109/2015/QH13…Nghị quyết số 01/2016/NQ – HĐTP đã cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc Hội, trong đó nêu rõ một số trường hợp cụ thể như đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới 5.000.000đ, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa bị kết án về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc. Vì vậy, khi xem xét miễn chấp hành hình phạt cho người phạm tội thì chúng ta nên chủ yếu căn cứ vào Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc Hội và Nghị quyết số 01/2016/NQ – HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao ( đã được Viện trưởng VKSNDTC nhất trí).
Những trường hợp được miễn hình phạt-dưới góc độ thi hành án là: Những người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành án, thì được miễn chấp hành hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Việc miễn chấp hành hình phạt cần được thực hiện như sau:
- Đối với các trường hợp thi hành án phạt tù tại các Trại giam, Trại tạm giam thì VKSND cấp tỉnh cần phối hợp rà soát các trường hợp được miễn hình phạt. Sau đó Trại giam cần lập danh sách, lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn chấp hành hình phạt.(Đồng thời chuyển cho VKS tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ Kiểm sát). Đối với Trại tạm giam thì chuyển cho Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh đề nghị. Hồ sơ cần phải có Quyết định thi hành án; bản sao Bản án; bản sao Biên bản vào trại; bản sao quyết định xử phạt hành chính hoặc bản sao bản án về tiền án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc ( nếu có-đối với phạm nhân phạm tội đánh bạc ), biên bản xác minh về kết quả thực hiện hình phạt bổ sung (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.
- Đối với trường hợp bị xử phạt tù đang được hoãn chấp hành án phạt tù, chưa chấp hành án ( kể cả trường hợp đang bị truy nã ) thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phối hợp với Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp có danh sách, chuyển lên Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh để lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn chấp hành hình phạt.(Đồng thời chuyển cho VKS tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ Kiểm sát). Các đơn vị Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án cùng cấp đảm bảo đủ các tài liệu gồm: Danh sách đề nghị miễn hình phạt; bản sao bản án; bản sao quyết định xử phạt hành chính hoặc bản sao bản án về tiền án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc ( nếu có ); quyết định thi hành án; quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; quyết định truy nã; biên bản xác minh về kết quả thực hiện hình phạt bổ sung (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.
- Đối với trường hợp phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thì Viện kiểm sát cấp huyện phối hợp với Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp có văn bản, chuyển lên Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh để lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn chấp hành hình phạt.(Đồng thời chuyển cho VKS tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ Kiểm sát). Trường hợp chưa ra quyết định thi hành án, thì không cần thiết phải có đề nghị của Cơ quan Thi hành án hình sự. Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án cùng cấp đảm bảo đủ các tài liệu gồm: Danh sách đề nghị miễn hình phạt; bản sao bản án; bản sao quyết định xử phạt hành chính hoặc bản sao bản án về tiền án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc ( nếu có ); quyết định thi hành án; biên bản xác minh về kết quả thực hiện hình phạt bổ sung (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.
- Đối với trường hợp đang chấp hành án cải tạo không giam giữ, thì Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đang chấp hành hình phạt lập hồ sơ để Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành hình phạt. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị của Cơ quan Thi hành án hình sự và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; bản sao bản án; bản sao quyết định xử phạt hành chính hoặc bản sao bản án về tiền án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc ( nếu có ); quyết định thi hành án; biên bản xác minh về kết quả thực hiện hình phạt bổ sung (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan. Trường hợp chưa ra quyết định thi hành án, thì không cần thiết phải có ý kiến đề nghị của Cơ quan Thi hành án hình sự.
- Đối với trường hợp bị xử phạt tiền, thì Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện nơi người đang chấp hành hình phạt lập hồ sơ để Tòa án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt. Nếu người bị kết án chưa chấp hành thì được miễn toàn bộ, đang chấp hành thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị của Cơ quan Thi hành án dân sự và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; bản sao bản án; bản sao quyết định xử phạt hành chính hoặc bản sao bản án về tiền án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc ( nếu có ); quyết định thi hành án; biên bản xác minh về kết quả thực hiện hình phạt bổ sung (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan. Trường hợp Tòa án chưa gửi bản án sang Cơ quan Thi hành án dân sự thì không cần có văn bản đề nghị của Cơ quan Thi hành án dân sự.
Các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện cần chủ động phối hợp với Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự, dân sự cùng cấp rà soát các trường hợp được ủy thác thi hành án. Nếu thuộc trường hợp được miễn, thì giải quyết như sau:
- Đối với trường hợp đã ra quyết định thi hành án, đang chấp hành án, thì Tòa án được ủy thác xem xét miễn chấp hành hình phạt theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp. Viện kiểm sát cấp huyện có văn bản thông báo để Viện kiểm sát địa phương nơi có Tòa án được ủy thác biết và thực hiện kiểm sát.
- Đối với trường hợp chưa ra quyết định thi hành án, thì Viện kiểm sát cấp huyện có văn bản thông báo để Viện kiểm sát địa phương nơi có Tòa án được ủy thác biết để yêu cầu Tòa án được ủy thác trả lại hồ sơ ủy thác cho Tòa án đã ủy thác giải quyết theo thẩm quyền.
Khi Kiểm sát việc xem xét, quyết định miễn chấp hành hình phạt cần chú ý một số vấn đề sau:
- Miễn chấp hành hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), còn đối với các vấn đề khác, như trả lại tài sản, xử lý vật chứng …thì vẫn phải thi hành.
- Kiểm sát quyết định miễn chấp hành hình phạt để đảm bảo thành phần Hội đồng xét miễn của Tòa án theo quy định của các Thông tư liên tịch; đảm bảo nội dung quyết định phải ghi rõ lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước và người được miễn đương nhiên được xóa án tích.
- Đối với các trường hợp được miễn trên mà người bị kết án đang bị truy nã, thì Viện kiểm sát đề nghị Tòa án có văn bản thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết để cơ quan này ra quyết định đình nã nếu họ không bị truy nã về hành vi phạm tội khác.
Trên đây là một số vấn đề cần làm để thực hiện tốt việc miễn hình phạt theo các Nghị quyết của Quốc Hội để đồng nghiệp cùng thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động.