Bất cập trong BLHS 2015 về đường lối xử lý đối với một số tội phạm xâm phạm sở hữu

Thứ năm - 28/07/2016 20:55
Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27/11/2015, với những nội dung sửa đổi, bổ sung tương đối toàn diện kể cả về kết cấu, bố cục, nội dung và kỹ thuật lập pháp, đã khắc phục phần lớn những bất cập trong Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 27/6/2016 thì đến nay BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, trừ những quy định có lợi đối với người phạm tội. Mặc dù BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, song qua nghiên cứu nội dung của Bộ luật hình sự năm 2015 cho thấy, ngoài một số sai sót về kỹ thuật lập pháp dẫn đến phải lùi hiệu lực thi hành, nội dung Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn còn một số bất cập về quan điểm, đường lối xử lý đối với một số loại tội phạm.
Do thời gian nghiên cứu chưa nhiều, chưa đi sâu nghiên cứu tất cả các tội phạm, tác giả mới nghiên cứu về dấu hiệu định tội, định khung ở một số tội phạm thường xảy ra và thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, nhất là các tội phạm xâm phạm sở hữu có cấu thành vật chất như tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (các Điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015).
Dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 của các tội phạm nêu trên đã kế thừa những quy định trong BLHS năm 1999, đồng thời có sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật lập pháp và bổ sung thêm một số dấu hiệu định tội mới như: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản chiếm đoạt là hàng cứu trợ. Một trong những điểm mới quan trọng trong BLHS năm 2015 về kỹ thuật lập pháp là: ngoài dấu hiệu về trị giá tài sản chiếm đoạt thì cấu thành cơ bản của các tội phạm nêu trên đã mô tả các dấu hiệu định tội khác như: đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án về tội này hoặc các tội... thành từng điểm cụ thể trong khoản 1 của các điều luật. Việc xây dựng cấu thành tội phạm như vậy đảm bảo kết cấu điểm, khoản rõ ràng, khúc triết, việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật được thuật lợi.
Cũng là điểm mới trong kỹ thuật lập pháp và thể hiện chính sách hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội so với quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 đó là: Quy định trong cấu thành tăng nặng tại các khoản 2, 3, 4 của các điều 172, 173, 174, 178 đã bổ sung dấu hiệu định khung tăng nặng là chiếm đoạt tài sản trị giá từ ..... đồng đến dưới ..... đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
Nghiên cứu dấu hiệu định tội, định khung trong các tội phạm được quy định tại các điều luật trên cho thấy một số bất cập về đường lối xử lý tội phạm cũng như tư duy lập pháp và quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm như sau:
Thứ nhất, quy định tại khoản  1 của các Điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015 đã tách hai dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích ....thành 2 dấu hiệu định tội độc lập có giá trị pháp lý ngang bằng nhau khi định tội. Khi áp dụng tình tiết này trong trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng và đối với họ trước đó đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án...mà  Quyết định xử phạt hành chính, Bản án trước đó được ban hành khi người họ chưa đủ 18 tuổi thì sẽ dẫn đến bất cập hay nói cách khác là sự bất bình đẳng về đường lối xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật khi áp dụng BLHS năm 2015.
Ví dụ1:  Ngày 01/7/2016 hai đối tượng A và B cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng. Về nhân thân, ngày 01/3/2016, A (khi đó chưa đủ 18 tuổi) bị Công an huyện H xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; cùng ngày 01/3/2016, B (khi đó cũng chưa đủ 18 tuổi) bị Tòa án nhân dân huyện H xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì hành vi trộm cắp tài sản của A và B ngày 01/7/2016 đã cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.  Tuy nhiên theo Nghị quyết 109/2015/QH13, Nghị quyết 144/2016/QH13 và quy định tại  khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015  thì việc xác định B đã được xóa án tích đối với bản án ngày 01/3/2016 hay chưa phải căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 107 của BLHS năm 2015 vì  quy định này là có lợi cho người chưa thành niên phạm tội so với quy định về xóa án tích theo quy định của BLHS năm 1999. Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, trong trường hợp này, B đã được xóa án tích, vì vậy hành vi trộm cắp tài sản của B ngày 01/7/2016 cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 nhưng không cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, còn hành vi của A vẫn cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản” (kể cả theo quy định của BLHS năm 1999 hay BLHS năm 2015). Điều bất cập này không chỉ đối với tội “Trộm cắp tài sản” mà còn cả đối với xác tội xâm phạm sở hữu khác quy định tại các điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015. Như vậy quy định mới về Xóa án tích của BLHS năm 2015  sẽ dẫn tới bất cập, vô lý về đường lối xử lý và quan điểm đấu tranh phòng chống tội phạm đối với người chưa thành niên có Tiền án, tiền sự thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu định tội là đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích. Mặc dù đến nay BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành song khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì tình trạng nêu trên sẽ vẫn xảy ra và cần được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có giải pháp khắc phục.
Thứ hai, Quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của các điều luật nêu trên đưa các dấu hiệu quy định tại các điểm a, b của khoản 1 thành dấu hiệu dịnh khung tăng nặng, với phân tích như bất cập đã nêu ở trên cũng sẽ dẫn đến việc bất bình đẳng khi định khung hình phạt đối với người chưa thành niên đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm  và người chưa thành niên  đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại..., chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thứ ba, về quy định tại  điểm c và đ khoản 2 Điều 172; điểm e và g khoản 2 Điều 173; điểm d và g khoản Điều 174; điểm g và h khoản 2 Điều 178 cũng là quy định còn bất cập kể cả về kỹ thuật lập pháp và tư duy xây dựng pháp luật cũng như quan điểm xử lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm bởi lẽ: Nhà làm luật đã đồng nhất dấu hiệu: Tái phạm nguy hiểm với các dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích đối với người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng để định khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 của các điều luật trên.  
Ví dụ 2: Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người nào có hành vi trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng và thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm  sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS năm 1999. Còn đối với người đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích mà trộm cắp tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng  thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999. Khi quyết định hình phạt, họ sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS (năm 1999) hoặc đánh giá là có nhân thân xấu. Theo tôi, việc phân hóa trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 1999 là phù hợp về đường lối xử lý cũng như quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 2015, người thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, chỉ cần có một trong ba dấu hiệu: đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã bị kết án... hoặc tái phạm nguy hiểm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 của các điều luật tương ứng. Việc đồng nhất ba dấu hiệu về nhân thân người phạm tội: đã bị xử phạt hành chính = đã bị kết án về tội này...= tái phạm nguy hiểm theo tôi là không phù hợp với quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngay tại Điều 1 của Bộ luật hình sự đưa nhiệm vụ phòng ngừa lên trước nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm. Tại điều 27 BLHS năm 1999 cũng như Điều 31 BLHS năm 2015 đều xác định rõ: Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật... Tuy nhiên với những bất cập được phân tích ở trên, trong điều kiện trình độ dân trí ngày càng cao, tỷ lệ các vụ án hình sự có sự tham gia của người bào chữa được tăng lên,  vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động tố tụng hình sự ngày càng sâu sát, thì những bất cập về đường lối xử lý tội phạm trong Bộ luật hình sự phải được khắc phục kịp thời, việc hoàn thiện Bộ luật hình sự là cần thiết nhằm phục vụ có hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hy vọng rằng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội khóa XIV nên cân nhắc, nghiên cứu để có giải pháp khắc phục những bất cập được phân tích ở trên.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây