Vấn đề phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm qua 56 năm thành lập và phát triể

Thứ năm - 28/07/2016 20:54
Chế định Viện kiểm sát nhân dân lần đầu tiên đã quy định tại Hiến pháp năm 1959. Ngày 15-7-1960 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-L/CTN công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trải qua mấy chục năm phát triển và đổi mới, đất nước ta tiến vào hội nhập kinh tế quốc tế kéo theo đó là sự thay đổi về nhiều mặt. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành kiểm sát cũng thay đổi theo cho phù hợp với tiến độ cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Điều 105 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.” Điều 138 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân....” Hiến pháp năm 1992 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân...”. Điều 137 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định "Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định." và Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Như vậy, qua các bản Hiến pháp tuy pháp luật có những bổ sung, thay đổi về tổ chức, hoạt động nhưng chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn luôn được giao cho Viện kiểm sát.
Sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời các luật lệ hiện hành của chế độ cũ. Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Ở miền Nam, nhà lập pháp của chế độ Sài Gòn đã pháp điển hoá các quy định về tố tụng dân sự và xây dựng Bộ luật dân sự thương sự tố tụng năm 1972. Tuy nhiên, năm 1975 đất nước thống nhất, do vậy các quy định của Bộ luật này cũng không được áp dụng nữa. Ở miền Bắc, do hoàn cảnh lịch sử để lại, cho nên trong một thời gian tương đối dài (1954 – 1989) chúng ta chưa có một văn bản chính thức về tố tụng dân sự, các vấn đề liên quan đến thủ tục kiện tụng về dân sự chỉ được quy định tản mạn trong các văn bản hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao. Phải đến năm 1989 dưới sự đổi mới cơ chế và mở cửa Nhà nước ta đã ban hành văn bản về thủ tục tố tụng trong lĩnh vực tư pháp dân sự là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Kể từ đó đến nay, trải qua 56 năm thành thực hiện và phát triển với các văn bản pháp luật như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 và mới nhất, ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự 2015, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự luôn được cơ quan lập pháp và ngành Kiểm sát quan tâm. Trong đó, đáng chú ý là quy định phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm.
Vấn đề phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm được quy định rõ ràng lần đầu tiên tại khoản 1 Điều 51 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Theo quy định này thì sau khi Hội đồng xét xử kết thúc việc xét hỏi, các đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện tổ chức xã hội khởi kiện về lợi ích chung trình bày ý kiến của mình về đánh giá chứng cứ, đề xuất hướng giải quyết vụ án. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác, nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử cho phát biểu thêm. Sau đó Kiểm sát viên trình bày ý kiến về hướng giải quyết vụ án.
Vấn đề này lại được tiếp tục quy định trong Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Theo đó trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên đến khi Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2011, tại Điều 234 Bộ luật này dù đã mở rộng về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự nhưng Bộ luật này lại không quy định việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án . Theo quy định Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án; phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
Lý do hủy bỏ quy định về việc phát biểu của kiểm sát viên về đường lối giải quyết vụ án là do có nhiều người cho rằng với vai trò giám sát, Viện kiểm sát chỉ phát biểu về những hành vi tố tụng đã thực hiện trước và trong phiên tòa để xem xét, phát hiện những vi phạm (nếu có). Vấn đề nội dung chưa được Tòa án quyết định nên chức năng giám sát của Viện kiểm sát cần được thực hiện sau khi có bản án, khi phát hiện đường lối giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mới phù hợp với quy định chung của pháp luật.
 Thực tiễn cho thấy quy định trên đã thu hẹp phạm vi kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng khi tham gia vào quan hệ pháp luật có tranh chấp cũng là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân.Tại Khoản 4, Điều 27, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân như sau:  “Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật”. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định tại Điều 234 của Bộ luật TTDS sửa đổi bổ sung năm 2011, Điều 262 Bộ luật TTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau:“Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.
Theo quy định nêu trên khi kiểm sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng, ngoài việc kiểm sát việc chấp hành pháp luật đối với Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên còn phải kiểm sát việc chấp hành pháp luật của cả Thư ký Tòa án và còn phải phát biểu cả quan điểm giải quyết về nội dung vụ án, để Hội đồng xét xử xem xét, quyết định trước khi tuyên án. Với quy định trên thì phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa đầy đủ hơn, toàn diện hơn, không chỉ giới hạn phát biểu về việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng mà còn phát biểu cả về quan điểm, đường lối giải quyết vụ án. Do vậy, vai trò, trách nhiệm và quyền năng của Viện kiểm sát nói chung, Kiểm sát viên nói riêng tại phiên tòa ngày càng được nâng lên rõ rệt. Việc quy định mở rộng nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa như trên sẽ là điều kiện thuận lợi để Kiểm sát viên thực hiện tốt chức năng, hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án, đảm bảo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, để làm tốt công tác này Kiểm sát viên cần phải làm rõ được bản chất quan hệ tranh chấp, các căn cứ để giải quyết tranh chấp và đưa ra được đề nghị hướng giải quyết vụ án một cách chính xác nhất. Để xử lý tốt hai vấn đề trên, Kiểm sát viên phải nắm chắc hồ sơ, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, phải nắm vững nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì; tính chất và nội dung tranh chấp như thế nào, xác định căn cứ để giải quyết tranh chấp là các bên xuất trình được những tài liệu, chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của các bên; xác định tính có căn cứ và hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do các đương sự cung cấp... Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời và linh hoạt bổ sung các diễn biến tại phiên tòa vào bản phát biểu để điều chỉnh kịp thời quan điểm giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, theo quy định tại các điều 262, 306, khoản 3 Điều 341, điểm g khoản 1 Điều 369, điểm c khoản 1 Điều 375 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: Ngay sau phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ, việc. Đây là yêu cầu rất khó khăn đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm. Trường hợp phải gửi ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Kiểm sát viên sẽ không kịp bổ sung, hoàn thiện bài phát biểu cả về hình thức và nội dung, quan điểm giải quyết vụ án. Do vậy pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn để Kiểm sát viên có thể hoàn thành tốt công việc của mình, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được kiểm sát một cách chặt chẽ, chính xác nhất.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây