Nguyễn Văn A có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?
Thứ tư - 18/11/2015 21:05
Nội dung vụ án: Ngày 27/4/2013, Nguyễn Văn A, Phạm Văn B và anh Vũ Văn C cùng ngồi chơi tại quán nước. A đòi khoản tiền B nợ A trước đó, B nói không có tiền, A bảo B mượn xe ô tô của anh C đi cầm cố lấy tiền trả A, B nói vì nhà của anh C và B ở gần nhau nên anh C sẽ không cho B mượn xe để đi cầm cố, nếu A hỏi thì anh C sẽ cho mượn. Sau đó A đã hỏi mượn anh C chiếc xe ô tô Honda Civic biển số 30H- 7438, anh C biết A mượn xe để đi cầm cố nhưng vẫn đồng ý. Khoảng 19h30’ cùng ngày, anh C cùng A, B đi xe ô tô của anh C đến thành phố Hải Dương chơi. Khi đi đến đoạn đường Thanh Niên- P. Quang Trung- TP. Hải Dương thì anh C xuống xe đi chơi, và giao xe ô tô cùng giấy tờ xe cho A. Sau đó, B điều khiển xe ô tô chở A đến hiệu cầm đồ tại số 24 Minh Khai- P. Trần Phú- TP. Hải Dương của anh E để cầm cố. Do anh E không có nhu cầu cầm cố xe nên gọi điện cho anh M và nói lại với A, B. B lái xe chở A đi theo anh E đến nhà anh M. Tại đây anh M gọi điện thoại cho 01 người tên T đến nhận cầm cố chiếc xe ô tô biển số 30H- 7438 với số tiền 150.000.000đ. B nhận tiền trả cho A 34.000.000đ tiền nợ trước đó, trả nợ anh E số tiền 20.000.000đ do A nợ từ trước. Đến 3 giờ ngày 28/4/2014, A đến gặp anh C nói cho anh C biết việc A và B đã mang chiếc xe ô tô của anh C đi cầm cố và trả anh C số tiền 15.000.000đ A nợ anh C từ trước. Anh C yêu cầu A chuộc xe ô tô trả lại cho anh nhưng không thấy A trả lại xe nên đến ngày 13/5, anh C có đơn trình báo với Công an TP. Hải Dương.
Xoay quanh vụ việc trên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất: do anh C biết A mượn xe ô tô đi cầm cố (nhận tài sản bằng con đường hợp pháp) nên việc A đem xe đi cầm cố không phải là hành vi gian dối với anh C. Sau khi cầm cố xe, A và B vẫn có mặt tại địa phương, thể hiện việc Cơ quan điều tra vẫn triệu tập, lấy lời khai của A và B (ngày 15/5/2013, 20/5/2013, 12/9/2013 đối với A; 20/5/2013, 19/9/2013, 11/10/2014 đối với B) do vậy không đủ căn cứ xác định A và B bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản của anh C. Việc A và B khai dùng tiền cầm cố xe ô tô của anh C mua nick bóng đá của anh E để cá độ bóng đá, quá trình điều tra không thu thập được tài liệu chứng cứ chứng minh việc A và B sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Vì vậy, chưa có căn cứ để xác định hành vi của A và B cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nên không có căn cứ khởi tố vụ án đối với tố giác tội phạm của anh C về tội phạm nêu trên.
- Quan điểm thứ hai: anh C đã đồng ý cho A mượn xe, tức là A đã nhận được tài sản một cách hợp pháp. Sau khi nhận được tài sản, A và B cùng nhau đem tài sản đi cầm cố lấy tiền chi tiêu cá nhân. Khi anh C biết A và B đem xe đi cầm cố đã yêu cầu A trong hạn 10 ngày phải trả lại xe cho anh C, nhưng A không trả lại. Mặc dù từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2013 A và B không bỏ trốn, vẫn lên làm việc khi được Cơ quan điều tra triệu tập. Tuy nhiên từ tháng 10/2013, A và từ đầu năm 2013, B đã bỏ đi khỏi địa phương, cho đến nay đều không có mặt tại địa phương không rõ lý do và không trao đổi gì với anh C là trốn tránh trách nhiệm trả tài sản cho anh C. Vì vậy hành vi của A và B có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 140 của BLHS.
Trên đây là tố giác tội phạm có nhiều quan điểm khác nhau về việc xử lý. Do vậy, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn đọc và các bạn đồng nghiệp.