Đất 03 một điểm đáng chú ý trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ tranh chấp thừa kế tài sản.

Thứ hai - 02/11/2015 02:14
Thực hiện Nghị quyết số 10 NQ/TW của Bộ chính trị, Nghị quyết số 03 NQ/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy Hải Hưng, Quyết định số 721/QĐ-UB ngày 17/9/1992 và Quyết định số 235/QĐ-UB ngày 25/02/1993 của UBND tỉnh Hải Hưng về việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân trong toàn tỉnh Hải Hưng, theo Hướng dẫn số 31/QĐ-UB ngày 25/02/1993 của Sở nông nghiệp tỉnh Hải Hưng thì nếu hộ nông dân nào có vườn thừa thì sẽ bị trừ vào đất canh tác (tức là đất 03 hay còn gọi là đất 721).
Trong quá trình thực hiện các văn bản nêu trên do quỹ đất của các xã trong cùng một huyện và các huyện trong tỉnh khác nhau, vì vậy việc trừ đất 03 vào vườn thừa ở các địa phương cũng khác nhau. Trong thực tế công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự “Tranh chấp kiện chia thừa kế” trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong gần 04 năm trở lại đây hầu hết các vụ án đều liên quan đến đất 03 (trong số đó có một số vụ án có vi phạm pháp luật do bỏ quên đất 03), cụ thể một số vụ điển hình như sau:
- Đối với vụ án “Kiện chia thừa kế”, giữa các nguyên đơn bà Phạm Thị Nhung, địa chỉ thôn Cổ Phục, Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương và bà Phạm Thị Bổn, địa chỉ thôn Dưỡng Mông, Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương; Bị đơn bà Phạm Thị Loan, địa chỉ thôn Lương Xá, Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương. Hộ gia đình bà Loan gồm 05 nhân khẩu bị trừ tổng diện tích đất 03 vào vườn thừa là 307,2m2. Vụ án này đã bị Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương đã phát hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/QĐ/KNGĐT-P5 ngày 05/9/2012. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2012/GĐT-DS ngày 30/12/2012 của TAND tỉnh Hải Dương đã áp dụng khoản 1 Điều 291, Điều 296, khoản 3 Điều 297, khoản 1,2 Điều 299, Điều 302 BLTTDS được sửa đổi bổ sung năm 2011, tuyên xử: Chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 06/QĐ/KNGĐT-P5 ngày 05/9/2012 của Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương; Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2011/DSST ngày 23/03/2011 của TAND huyện Kim Thành để xét xử lại theo thủ tục chung. 
- Đối với vụ án “Kiện chia thừa kế”, giữa nguyên đơn bà Đồng Thị Vịnh, địa chỉ thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa, Kim Thành, Hải Dương và bà Đồng Thị Mính, địa chỉ thôn Bắc Thắng, xã Liên Hòa, Kim Thành, Hải Dương. Bị đơn bà Tô Thị Mượt, chị Đồng Thị Xinh, chị Đồng Thị Hải, chị Đồng Thị Thanh đều có địa chỉ thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa, Kim Thành, Hải Dương và chị Đồng Thị Hồng, địa chỉ thôn Trại Đồng, xã Đồng Gia, Kim Thành, Hải Dương. Hộ gia đình bà Mượt và các con vào thời điểm 1992-1993 bị trừ đất 03 của 05 nhân khẩu với diện tích là 122m2 (mỗi nhân khẩu bị trừ 24,4m2) vào diện tích vườn thừa. VKSND tỉnh đã hướng dẫn để Viện trưởng VKSND huyện Kim Thành đã ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT-DS ngày 27/5/2014. Ngày 28/8/2014 HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hải Dương đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị phúc thẩm nêu trên của Viện trưởng VKSND huyện Kim Thành, Huû toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DSST ngày 13/5/2014 của TAND huyện Kim Thành, giao hồ sơ về cho TAND huyện Kim Thành giải quyết lại theo thủ tục chung.
- Vụ án “Chia di sản thừa kế”, giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Tài  và bị đơn bà Bùi Thị Tuyên, đều trú tại thôn Tân An, xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. VKSND tỉnh đã trao đổi và TAND tỉnh Hải Dương đã xác minh thì hộ gia đình bà Tuyên có 03 khẩu được chia diện tích đất canh tác là 1.944m2, nhưng chỉ được chia 1.774m2 còn lại bị trừ 152m2 vào đất vườn thừa của cụ Ơn và cụ Ế. Vì vậy bản án sơ thẩm đã đưa đầy đủ các con của bà Tuyên vào tham gia tố tụng và ra bản án đúng quy định của pháp luật.
- Vụ án “Tranh chấp chia di thừa kế”, giữa nguyên đơn anh Đặng Khắc Hường và bị đơn anh Đặng Khắc Hoàng, đều trú tại: Phù Tải II, Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương. Tại giấy CNQSD đất số 157 QSDĐ/QĐ số 693/QĐ-UB ngày 11/5/2005 của Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện ông Đinh Thế Chiêu cấp cho ông Đặng Khắc Húy (bố đẻ anh Hoàng, anh Hường) diện tích 1140m2 đất, gồm 2 thửa 491 và 489 tờ bản đồ số 5, trong đó: 300m2 đất ở, 331m2 đất vườn KTGĐ 50 năm, 23m2 đất vườn thừa hợp pháp lâu dài, 486m2 đất KTGĐ 20 năm. Ngày 18/6/2015 anh Đặng Khắc Hoàng có lời khai xác định anh và con trai bị trừ 486m2 đất 03 vào đất ao KTGĐ 20 năm. Ngày 15/7/2015 anh Đặng Khắc Hoàng, anh Đặng Khắc Hường và anh Đặng Khắc Huỳnh có văn bản thỏa thuận thống nhất giải quyết toàn bộ tranh chấp trong gia đình về tài sản. Theo văn bản thỏa thuận thì gia đình anh Hoàng có công sức duy trì, tôn tạo đất là 149.000.000đồng; số tiền còn lại là 600.000.000 đồng chia cho anh Hoàng 255.000.000đồng, anh Hường 95.000.000đồng, anh Huỳnh 250.000.000đồng (số tiền này các bên đã thanh toán và giao nhận xong). Mặc dù cấp sơ thẩm có vi phạm trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, đặc biệt là chưa làm rõ diện tích đất 03 bị trừ vào đất ao với diện tích là 486m2 là trừ của những ai, vị trí đất ao bị trừ vào đất 03 ở vị trí nào có phải nằm trong diện tích đất 193,8m2 bị thu hồi hay không. Nhưng do các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận với nhau thống nhất giải quyết toàn bộ tranh chấp của vụ án, việc thỏa thuận này phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, vì vậy cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm chấp nhận việc thỏa thuận nêu trên của các đương sự.
Từ thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án nêu trên theo trình tự phúc thẩm đặt ra một câu hỏi là: Làm thế nào để nhận biết được có đất 03 trong di sản là quyền sử dụng đất mà các đương sự đang tranh chấp? Quá trình nghiên cứu hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” tôi đã tìm ra các câu trả lời và xin chia xẻ kinh nghiệm với các KSV làm công tác kiểm sát án dân sự, hôn nhân và gia đình như sau:
+ Thứ nhất: Đã là “Tranh chấp chia di sản thừa kế” mà di sản là quyền sử dụng đất thì phải chủ động xem xét các lời khai của đương sự xem Thẩm phán có hỏi về việc chia đất 03 và có bị trừ đất 03 vào vườn thừa hay không.
+ Thứ hai: Nghiên cứu hồ sơ phần lưu bản sao “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của người để lại di sản hoặc người đang quản lý di sản để xác định có “đất vườn KTGĐ 20 năm” hoặc “đất ao KTGĐ 20 năm” hoặc “đất vườn thừa 20 năm” hay không.
+ Thứ ba: Nghiên cứu hồ sơ để xác định rõ Thẩm phán đã làm việc với UBND xã, phường, thị trấn nơi xẩy ra tranh chấp chia di sản thừa kế về việc chia đất 03 cho các thành viên hộ gia đình có liên quan đến diện tích đất đang tranh chấp (tiêu chuẩn đất 03 theo nhân khẩu của địa phương) và có những ai trong hộ gia đình đó bị trừ đất 03 vào vườn thừa, diện tích bị trừ là bao nhiêu.
Trong trường hợp Thẩm phán chưa thực hiện các hoạt động nêu trên thì ngay sau phiên tòa, KSV tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với các vụ “Tranh chấp chia di sản thừa kế” phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để tiến hành ngay hoạt động xác minh làm rõ vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, báo cáo phòng nghiệp vụ và phát hành kháng nghị theo trình tự phúc thẩm (nếu phát hiện vi phạm)
Trên đây là chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để các đồng chí nghiên cứu tham khảo nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây