Luật HNGĐ năm 1959 và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự là những căn cứ quan trọng để xác định di sả
Thứ hai - 09/11/2015 20:33
Trong thời gian gần đây trong quá trình giải quyết một số vụ án về “Tranh chấp về chia di sản thừa kế” một số TAND cấp huyện không phân biệt rõ di sản. VKSND tỉnh Hải Dương đã phát hành một số kháng nghị đối với một số bản án dân sự của TAND cấp huyện. Từ việc kháng nghị đó, tôi xin đưa ra một số phân tích đánh giá để cùng với các KSV hai cấp Kiểm sát tỉnh Hải Dương tham khảo phấn đấu làm tốt hơn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án “Tranh chấp về chia di sản thừa kế”.
- Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ.
Với quy định nêu trên, thì từ ngày Luật này có hiệu lực pháp luật (ngày 01/01/1960) Nhà nước ta chỉ thừa nhận chế độ 01 vợ, 01 chồng. Nghĩa là chế độ đa thê có trước ngày 01/01/1960 vẫn được nhà nước ta thừa nhận.
- Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.
Với quy định nêu trên thì mọi tài sản của chồng hoặc vợ có trước và trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng, tức là nếu vợ chồng kết hôn với nhau từ ngày 01/01/1960 đến ngày 31/12/1985 (thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực pháp luật) thì mọi tài sản của vợ hoặc chồng có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng.
Việc nêu ra các quy định nêu trên rất có ý nghĩa trong việc xác định di sản chung của vợ chồng để lại khi phân chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế trong các tranh chấp về chia di sản thừa kế. Tôi xin nêu 02 vụ án cụ thể mà cấp sơ thẩm đã không tôn trọng quyền tự định đoạt về tài sản của người để lại di sản theo nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 5), từ đó dẫn tới xác định đúng phần di sản phải phân chia, cụ thể như sau:
Ví dụ 1: Ông Đồng Văn Thịnh và bà Đoàn Thị Trực kết hôn năm 1945 sinh được 3 người con gái là chị Đồng Thị Vịnh (1951), Đồng Thị Mính (1964) và Đồng Thị Xính (là liệt sĩ đã hi sinh năm 1980, chưa có gia đình). Ông bà có mảnh đất thổ cư tổng cộng rộng 810 m2 thuộc tờ bản đồ số 1 thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, chủ hộ đứng tên ông Đoàn Văn Thịnh. Trên đất còn có 01 ngôi nhà cấp 4 tại thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1971 ông Thịnh lấy bà Tô Thị Mượt làm vợ hai. Bà Mượt cùng ông Thịnh sinh được 04 người con gái là Đồng Thị Hải, Đồng Thị Xinh, Đồng Thị Hồng và Đồng Thị Thanh. Năm 1982, ông Thịnh đón bà Mượt và bốn người con gái về ở cùng nhà trên mảnh đất trên. Sau khi ông Thịnh đón bà Mượt về ở, thì ông Thịnh và bà Trực tiến hành phân chia đất ở trong đó ông Thịnh ở thửa 218, diện tích 610 m2 trên đất có ngôi nhà cấp 4 cũ và bà Trực ở thửa 238, diện tích 200m2 (đo đạc lại có diện tích là 148m2) trên đất ông Thịnh và bà Trực làm 01 ngôi nhà nhỏ cho bà Trực. Từ đó bà Trực ra ở riêng tại mảnh đất và ngôi nhà này (việc phân chia đất có sự chứng kiến của UBND xã Liên Hòa và đã được xây 01 bức tường phân cách), hiện nay ngôi nhà đã cũ nát, không còn giá trị sử dụng. Năm 1998 ông Thịnh chết và năm 2005 bà Trực chết đều không để lại di chúc. Đến năm 2010 bà Mượt cùng các con đẻ của bà đã phá ngôi nhà cấp 4, xây nhà mái bằng kiên cố trên mảnh đất trên. Hiện nay, đất mà ông Thịnh và bà Trực để lại đang do bà Mượt và các con gái của bà quản lý và sử dụng. Do chị Vịnh, chị Mính không tự thỏa thuận được về việc chia di sản của bố mẹ để lại và ông Thịnh chết từ năm 1998 vì vậy thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với phần di sản của ông Thịnh trong khối tài sản chung của vợ chồng ông Thịnh, bà Trực để lại đã hết (quá 10 năm). Nên ngày 10/3/2010 chị Vịnh, chị Mính có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế là đất ở của mẹ các chị là bà Trực để lại. Quá trình Tòa án giải quyết vụ án, chị Vịnh và chị Mính xác định các biên bản về việc chuyển nhượng đất ở ngày 09/3/1997 và giấy tách vườn ngày 07/3/1997 là giả mạo do chữ ký trong hai biên bản này không phải của chị Mính và cũng không phải của bà Trực vì bà Trực không biết viết kể cả tên của bà. Theo Bà Mượt và các con của bà thì ông Thịnh đã chia cho cụ Trực 148m2 đất thông qua biên bản tách vườn đất ngày 19/3/1997.
Trong vụ án nêu trên thì ông Thịnh và bà Mượt kết hôn với nhau không được pháp luật thừa nhận (hôn nhân không hợp pháp).
Tuy nhiên trong vụ án này phải xác định ông Thịnh và bà Trực đã tự phân chia tài sản chung của vợ chồng vào năm 1997, việc phân chia này là hoàn toàn tự nguyện và có sự chứng kiến của UBND xã Liên Hòa. Quá trình bà Trực ra ở riêng (tại mảnh đất đo đạc lại hiện nay là 148m2) từ năm 1997 đến năm 2005 (khi bà Trực chết) thì bà Trực cũng như các con của bà Trực là chị Vịnh và chị Mính đều không có ý kiến đề nghị gì. Như vậy tài sản để phân chia trong vụ án này cho chị Vịnh và chị Mính chỉ có 148m2 tại thửa số 238 thuộc thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. TAND huyện Kim Thành lại không xác định như trên mà lại cộng cả thửa 218 có diện tích 610m2 và thửa 238 diện tích 148m2 nêu trên vào để phân chia theo bản án dân sự sơ thẩm số 03/2014/DSST ngày 13/5/2014, dẫn tới vi phạm nghiêm trọng tố tụng và bị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm tại bản án phúc thẩm ngày 28/8/2014 của TAND tỉnh Hải Dương.
Ví dụ 2: Cụ Phan Hữu Chắt kết hôn với cụ Tăng Thị Gốc (hiện vẫn còn sống) sinh được 02 người con gái là bà Phan Thị Hàn, sinh năm 1949 và bà Phan Thị Khanh (Thiểu), sinh năm 1952. Sau đó cụ Phan Hữu Chắt kết hôn với cụ Đoàn Thị Gách (mất ngày 20/02/2012) sinh được 02 người con gái là bà Phan Thị Chút, sinh năm 1956 và bà Phan Thị Chít, sinh năm 1958. Cụ Phan Hữu Chắt mất vào năm 1975 không để lại di chúc và nghĩa vụ về tài sản. Sau khi cụ Chắt chết, Cụ Phan Thị Gốc và cụ Đoàn Thị Gách là những người trực tiếp quản lý toàn bộ khối tài sản chung của cả ba cụ, trong đó có khối tài sản của cụ Chắt chết để lại. Cụ Chắt, cụ Gốc và cụ Gách có khối tài sản chung gồm: diện tích đất thổ cư được thể hiện tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 594 diện tích 858m²; đất chuyên dùng khác thể hiện tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 595, diện tích 40 m²; đất ao tạm giao tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 596, diện tích 202 m² (Hồ sơ địa chính được lập theo bản đồ 299), trên đất có ngôi nhà gỗ 03 gian (hiện không còn vì đã hư hỏng mục nát) và một số đồ thờ cúng, gồm: 01 đỉnh bằng đồng, 02 choé sứ, 02 cây nến đồng, 01 tủ chè cổ bằng gỗ, 01 yên gỗ lim, 01 ngai thờ, 01 bàn thờ bằng gỗ.
Năm 1982 thực hiện chính sách quản lý về ruộng đất, cụ Gách là người đứng ra kê khai vào sổ địa chính của xã Gia Xuyên. Đến năm 1991 thực hiện việc đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ Gốc và cụ Gách thống nhất thoả thuận chia tách đất và làm thủ tục đến chính quyền địa phương (các con của 02 cụ là bà Phan, bà Khanh, bà Chút, bà Chít đều biết nhưng không có ý kiến gì). Theo đó cụ Gốc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 13/07/1994 do chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký dấu ngày 30/08/2001 được UBND huyện Gia Lộc đóng dấu hợp pháp trang 3 với diện tích 304m² trong đó có 300 m² đất ở và 4 m² đất vườn thừa hợp pháp sử dụng lâu dài. Cụ Gách được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 13/07/1994 với diện tích 1008 m², trong đó đất ở 300 m², đất vườn thừa kinh tế gia đình diện tích 187 m²; đất vườn thừa hợp pháp lâu dài 73 m², đất ao thừa hợp pháp 448 m² (thực tế việc đo vẽ cấp giấy chứng nhận đất ao có sự sai sót về số lô, số thửa nên phần diện tích đất ao này đã được cấp sang khu vực khác, không liền với đất thổ cư, thửa đất này đang do UBND xã Gia Xuyên quản lý).
Ngày 20/02/2012 mẹ bà là cụ Gách chết. Giữa bà Phan Thị Chút và bà Phan Thị Chít không thoả thuận được việc phân chia tài sản, nên tháng 7/2012 bà Chút khởi kiện chia di sản thừa kế đất ở 560m² trong đó bà được hưởng 200m² đất ở theo di chúc cụ Gách để lại cho bà, còn lại 360 m², diện tích 448 m² đất ao đề nghị chia theo pháp luật. Tại bản án sơ thẩm dân sự số 05/2015/DS-ST ngày 28/5/2015 của TAND huyện Gia Lộc lại cộng toàn bộ tài sản là diện tích 304m² đất ở và đất vườn của cụ Gốc với diện tích 560m² đất ở, đất vườn và 202 m² đất ao là di sản của cụ Gách để lại vào để chia (sau khi đã đi trừ phần tài sản đã hết thời hiệu thừa kế của cụ Chắt).
Trong vụ án này hôn nhân giữa cụ Phan Hữu Chắt với cụ Tăng Thị Gốc và cụ Đoan Thị Gách là hôn nhân hợp pháp, vì các con của các cụ đều sinh trước năm 1960, vì vậy việc TAND huyện Gia Lộc xác định tài sản chung của cụ Chắt, cụ Gốc và cụ Gách là diện tích đất thổ cư được thể hiện tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 594 diện tích 858m²; đất chuyên dùng khác thể hiện tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 595, diện tích 40 m²; đất ao tạm giao tại tờ bản đồ số 5, thửa đất 596, diện tích 202 m² (Hồ sơ địa chính được lập theo bản đồ 299), trên đất có ngôi nhà gỗ 03 gian (hiện không còn vì đã hư hỏng mục nát) và một số đồ thờ cúng, gồm: 01 đỉnh bằng đồng, 02 choé sứ, 02 cây nến đồng, 01 tủ chè cổ bằng gỗ, 01 yên gỗ lim, 01 ngai thờ, 01 bàn thờ bằng gỗ là bảo đảm căn cứ.
Lẽ ra khi bà Chút làm đơn khởi kiện, sau khi xác minh làm rõ việc cụ Gốc và cụ Gách đã tự nguyện phân chia tài sản (các con của 02 cụ là bà Phan, bà Khanh, bà Chút, bà Chít đều biết nhưng không có ý kiến gì) và các cụ đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì TAND huyện Gia Lộc phải xác định di sản do cụ Gách để lại là 560m² đất ở + đất vườn và 202 m² đất ao để chia cho bà Chút và bà Chít, trong đó lưu ý đến việc tính công sức cải tạo, duy trì đất của bà Chít từ năm 1987 đến nay. Vì xác định di sản không đúng dẫn đến giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện và các vi phạm khác, VKSND tỉnh Hải Dương đã phát hành kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-P5 ngày 29/6/2015 đề nghị hủy toàn bộ bản án nêu trên (vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm).
Từ việc nêu ra các điều luật, các ví dụ và phân tích đánh giá nêu trên, tôi hy vọng rằng sẽ truyền đạt được ít nhiều các kinh nghiệm về các xác định di sản và phân chia di sản để từ đó các Kiểm sát viên làm tốt hơn công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự./.