Lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng

Thứ sáu - 21/05/2021 06:08

Lá phiếu gửi gắm niềm tin và hy vọng

Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được khẩn trương gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của người dân. Người dân cần hiểu quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tham gia bầu cử.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ra sau 35 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố gây bất ổn đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đặt ra.

(ảnh sưu tầm Internet)

75 năm trước, chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ngày sau, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí tán thành 6 vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, trong đó có vấn đề: "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ". Đây là ý nguyện mà Người đã trăn trở từ lâu là "Làm thế nào để quyền lực Nhà nước đích thực thuộc về Nhân dân".


Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết bài "Ý nghĩa Tổng tuyển cử" đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ngày 31/12/1945. Bài báo nêu rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết...".

Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu", đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5/1/1946. Rất giản dị, Người đi vào vấn đề cụ thể, gọn rõ: "Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...". Trong Lời kêu gọi của Người ta như thấy toát lên trong đó những nỗi niềm vui sướng vô biên. Bởi đã hàng nghìn năm qua, một sự kiện tương tự như thế chưa bao giờ xảy ra, chưa bao giờ người dân lại có trong tay cái quyền làm chủ. Và để có được cái quyền thiêng liêng này, dân tộc ta đã phải trải qua một quá trình lâu dài đấu tranh anh dũng với biết bao mất mát, hy sinh. Chính vì thế mà như lời Người nói, ngày 6/1/1946 ấy "chính là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình". Một thứ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhớ lời Người ngày ấy, chúng ta lại càng phải có ý thức hơn, phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn đại biểu thật xứng đáng để ghi vào lá phiếu lịch sử của mình trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội. Mỗi cử tri phải thực hiện thật trọn vẹn nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bởi mọi sự lựa chọn của chúng ta ngày nay nó liên quan đến thật nhiều sự thịnh suy của đất nước. Đất nước đang trên con đường hội nhập và phát triển, đang bước vào quá trình CNH, HĐH, thì việc lựa chọn đại biểu có đủ đức, đủ tài để ghi vào lá phiếu của mình sẽ có ý nghĩa biết chừng nào. "Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước", lời Người đã và đang vang vọng trong suốt 75 năm qua.

Ảnh: Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 (ngày 6/1/1946) (nguồn Internet)

Thực hiện lời kêu gọi của Người, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Đây là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được pháp luật quy định. Từ Hiến pháp 1946 đã có quy định cụ thể tại Điều 18: "Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử", và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (Điều 54). Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân...". Theo Điều 2 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này".

Bên cạnh đó, Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 cũng có quy định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp". Thông báo Kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ: đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hướng dẫn số 36-HD/BCHTW ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách; đồng thời bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự theo hướng việc giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quy trình thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiểu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, tại Nghị quyết liên tịch Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đặc biệt quan tâm đến yếu tố tín nhiệm trong quá trình lựa chọn, sàng lọc. Nếu ở địa bàn, ở nơi công tác nếu cá nhân đó không được tín nhiệm thì bước đầu tiên sẽ không đưa vào giới thiệu nhân sự bầu cử.

Các quy định cụ thể của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các văn bản hướng dẫn bầu cử… không chỉ khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của người dân mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để người dân thực hiện được quyền của mình. Bên cạnh đó, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của công dân đối với vận mệnh đất nước. mỗi lá phiếu mang theo niềm tin và hy vọng, bản thân mỗi cử tri có vai trò quyết định trong việc lựa chọn cho mình những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc, đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm sáng, lòng trong, có trí tuệ, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng để cùng với Đảng, Nhà nước và Chính phủ gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua thiên tai, dịch bệnh, xây dựng một nước Việt Nam vững bước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

                                                                        Nguyễn Hồng Ngọc
VKSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây