- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Đền Sinh, đền Hóa ở xã Lê Lợi (thành phố Chí Linh) được biết đến là một trong những ngôi đền “cầu tự” linh thiêng và nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam.
Đền Sinh nơi còn lưu giữ phiến đá hình người phụ nữ trong tư thế sinh nở
Di tích đền Sinh, đền Hóa vốn gắn với truyền thuyết đức Thánh Mẫu Thạch Linh sinh ra đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên. Sự tích ra đời của đức thánh cũng rất ly kỳ.Chuyện kể rằng thời xa xưa, bên sườn non núi Ngũ Nhạc, đám trẻ chăn trâu đang chơi dưới chân núi bỗng nghe tiếng trẻ con khóc trên núi, thấy làm lạ bèn kéo lên xem. Đến lưng chừng núi, đám trẻ phát hiện thấy một đứa trẻ ngồi ở giữa khe nứt của tảng đá lớn, tảng đá có dáng người mẹ đang nằm trong tư thế sinh nở. Tiếng khóc của đứa bé vang như chuông đồng. Đám trẻ chăn trâu thấy làm lạ bèn lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lõng, rước về làng.Trên đường đi, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, đứa bé vọt thẳng lên không trung rồi nói vọng lại: “Ta là thần Phi Bồng Hiệu Thiên giáng hạ, nay bị lộ hóa về trời”. Đám trẻ nghe vậy sợ hãi, liền về gọi người dân trong làng. Người dân nghe đám trẻ kể lấy làm kinh hãi liền cho lập đền thờ. Chỗ tảng đá sinh ra đứa trẻ được lập đền Sinh hay còn gọi là đền mẫu Sinh, chỗ hài nhi hóa về trời lập đền Hóa, hay còn gọi là đền Thánh hóa.
Người dân ở đây tâm niệm Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên là một vị tinh tú trên trời được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để hộ quốc an dân. Vậy nên trong nhiều chuyện kể lưu truyền trong dân gian có nhiều điển tích về việc đức Thánh hiển linh đã nhiều lần phù cho các vị vua ở các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm như triều đại tiền Lý, hậu Lý, nhà Trần… Đó cũng là lý do trong tín ngưỡng dân gian, đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên được người dân địa phương rất mực tôn kính.
Tảng đá nơi sinh ra đức thánh hiện vẫn còn ở hậu cung đền Sinh, được nhân dân tôn thờ là đức Thánh Mẫu Thạch Linh. Đây cũng là một trong những địa chỉ tâm linh về tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời, mang ý nghĩa thờ sự sinh sôi, nảy nở nên không chỉ là địa chỉ cầu tự, người dân sản xuất nông nghiệp cũng thường đến cầu mùa màng bội thu…
Rước kiệu Thánh trong lễ hội đền Sinh, đền Hóa(Ảnh tư liệu)
Hằng năm vào những ngày này, rất đông du khách về dự lễ hội truyền thống đền Sinh, đền Hóa diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng 5 (âm lịch). Ông Nguyễn Thế Cung, hơn 80 tuổi đã có gần 40 năm gắn bó với ngôi đền kể: “Nếu ở những ngôi đền khác người ta kiêng kị người mang thai, trẻ sơ sinh không đến đền, đến chùa thì ở đền Sinh, đền Hóa lại rất đông người về, nhất là dịp lễ hội. Bởi đó là những người cầu tự đã được ứng nghiệm nên đến để tạ mẫu. Họ đến từ khắp các nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh… cả những nơi xa xôi như TP Hồ Chí Minh. Có những phụ nữ mang thai, thậm chí mới sinh, con còn đỏ hỏn cũng được mẹ mang đến đền trình mẫu như một sự biết ơn, thể hiện niềm vui của người được làm mẹ”, ông Cung nói.
Theo thói quen, mỗi lần viết sớ cho khách, ông lưu lại địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Nhiều người sau khi cầu con được linh ứng đến tạ lễ lại đến nhờ ông viết sớ, có người không về được thì gọi điện báo tin, nhờ ông lễ tạ, ông lại vui mừng ghi vào sổ lưu dòng chữ “đã có tin vui”.
Ở lễ hội truyền thống đền Sinh, đền Hóa có hai tục quan trọng nhất là lễ đón bóng Thánh và lễ rước kiệu Thánh. Trong đó, lễ rước kiệu từ đền thánh Hóa về đền mẫu Sinh được hiểu là rước con về trình mẹ, thể hiện đạo hiếu trong tín ngưỡng dân gian.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay Ban Quản lý di tích Chí Linh không tổ chức các hoạt động lễ hội, chỉ tổ chức dâng hương và thực hiện các lệ tục trong điều kiện cho phép.
Bà Bùi Thị Miên, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh cho biết: “Dù không tổ chức lễ hội nhưng Ban Quản lý di tích vẫn chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng dịch để bảo đảm an toàn cho du khách có nhu cầu về cửa đền trong dịp này”.
Nguyễn Thị Thanh Thiện (sưu tầm) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.