Áp dụng tình tiêt “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo bộ luật hình sự năm 2015.
Chủ nhật - 29/05/2016 22:06
Tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định là tình tiết định khung cơ bản, định khung tăng nặng khoản 2, khoản 3 một số điều của BLHS năm 2015. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung chủ yếu vào chương Các tội phạm xâm phạm sở hữu (chương XVI). Đây là điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự hiện hành. Trong thực tiễn áp dụng Bộ luật hình sự hiện hành, tình tiết này cũng đã được áp dụng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như hậu quả phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra ( ví dụ như Điều 245: Tội gây rối trật tự công cộng …) mặc dù chưa được quy định cụ thể trong điều luật. Việc quy định tình tiết “ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” đã đánh dấu sự hoàn thiện, được cụ thể hóa trong từng điều luật của BLHS năm 2015.
Tại BLHS năm 2015, chương các tội phạm xâm phạm sở hữu, tình tiết này được áp dụng là tình tiết định khung cấu thành cơ bản tại khoản 1 đối với 04 tội: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178).
Đồng thời được áp dụng là tình tiết định khung tăng nặng khoản 2, khoản 3 đối với 05 tội: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).
Để đảm bảo xử lý theo đúng quy định của pháp luật trước hết chúng ta phải xác định “ an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đó là tình trạng (trạng thái) ổn định có trật tự, kỉ cương của xã hội. Trật tự, kỉ cương được xác lập trên cơ sở các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành (gọi là các quy phạm pháp luật) và những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống được mọi người trong xã hội thừa nhận, tôn trọng, tuân thủ và nhờ đó mà mọi người có cuộc sống yên ổn. Nói cách khác, “trật tự, an toàn xã hội” là trạng thái xã hội có trật tự, kỉ cương, trong đó mọi người có cuộc sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Vì vậy, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cũng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm giữ cho xã hội được an toàn, có trật tự, kỉ cương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Từ khái niệm trên, chúng ta xác định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là phải nói đến hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành; xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ.
Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng tình tiết này sẽ gặp những khó khăn nhất định vì chưa có hướng dẫn cụ thể, kịp thời trong khi đó Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực (từ 01/7/2016). Mặt khác, khi có hướng dẫn cũng sẽ còn có cách hiểu, nhận thức thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng vì đây là tình tiết, hậu quả mang tính phi vật chất, việc đánh giá, áp dụng dễ mang tính tùy nghi, phụ thuộc vào nhận thức của các cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như phụ thuộc vào đặc trưng, điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng miền, địa phương khác nhau. Nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng không thận trọng đánh giá, khi áp dụng tình tiết này là tình tiết định khung cơ bản, cấu thành tội phạm sẽ dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm, hình sự hóa quan hệ hành chính. Ngoài ra còn tạo ra sự khác biệt, không thống nhất trong nhận thức giữa các địa phương.
Ví dụ: Đối với hành vi Trộm cắp tài sản diễn ra mang tính liên tục, thường xuyên, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chưa bị xử lý hành chính, hình sự về các tội chiếm đoạt tài sản, trị giá tài sản dưới mức định khung cơ bản khi thực hiện các hành vi ở các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thị trấn, phường như trộm cắp nhiều vật nuôi ở trong một thôn hay trộm tại nhiều thôn trong một xã hoặc trong trường hợp đối với hành vi trộm cắp tài sản là vật nuôi tại một khu dân cư của một phường thuộc đơn vị hành chính cấp quận, thành phố thì khi đó đánh giá tình tiết định khung cơ bản “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với từng hành vi cụ thể tại các địa điểm trên sẽ như thế nào. Mặt khác giá trị tài sản, điều kiện thu nhập cũng có ý nghĩa trong việc đánh giá hậu quả ảnh hưởng xấu hay không đối với điều kiện, khả năng kinh tế của từng đơn vị, địa phương. Vấn đề đặt ra khi nào thì được xác định là tình tiết định khung cấu thành cơ bản, khi nào không phạm tội.
Trường hợp như trộm cắp “ chó” diễn ra thường xuyên tại một đơn vị cấp thôn, xã, thị trấn thì có được xác định là “ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” có được coi là tình tiết định khung cấu thành tội phạm?
Trường hợp khác như đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản bằng hành vi dùng kìm cắt phá khóa …diễn ra đối với cả một khu dân cư, một dãy phố ..vv. Trong trường hợp này thì có thể sẽ áp dụng tình tiết “ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là tình tiết định khung của cấu thành tội phạm.
Quan điểm của chúng tôi cho rằng khi đánh giá tính chất của hành vi “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là phải nói đến tính có quy mô, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra mang tính chất xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội, xâm phạm đến sự mất ổn định nghiêm trọng đời sống của người dân, gây tâm lý hoang mang trong một diện rộng khu dân cư, vụ việc diễn ra thường xuyên dẫn đến người dân thiếu tin tưởng vào các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền trong việc giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra cũng cần phải xác định bằng việc sự phản ánh bức xúc, lo lắng của nhân dân như thế nào. Đối với hành vi trộm cắp chó, mặc dù khi tình trạng trộm cắp chó diễn ra nhiều nhưng không thường xuyên, không trên địa bàn rộng thì cũng không thể đánh giá là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để xử lý hình sự khi coi là tình tiết định khung cơ bản.
Từ những nhận định, đánh giá trên và thực tế khi áp dụng, để đảm bảo pháp luật hình sự được áp dụng thống nhất, đúng quy định kể từ ngày có hiệu lực 01/7/2016, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nội dung sau:
Thứ nhất: Trước hết cần sớm đưa ra quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết việc áp dụng tình tiết định khung cơ bản, định khung tăng nặng đối với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” .
Thứ hai: Khi áp dụng tình tiết này là tình tiết định khung cơ bản, tình tiết định khung tăng nặng cần phải được quy định trong từng lĩnh vực cụ thể, mức độ, diện ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình trật tự, an toàn, xã hội. Có như vậy mới tránh áp dụng tùy tiện theo vùng, địa phương.
Thứ ba: Cần phải có quy định chặt chẽ trình tự thu thập, tiếp nhận đối với tình hình, phản ánh của nhân dân về các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội khi chưa bị phát hiện làm căn cứ để xử lý.