Vướng mắc từ thực tiễn công tác quản lý, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện Gia Lộc

Thứ hai - 23/05/2016 05:07

Vướng mắc từ thực tiễn công tác quản lý, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện Gia Lộc

Đoàn kiểm sát trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án hình sự huyện Gia Lộc
 
          Luật thi hành án hình sự được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam  khóa XII thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.  Theo quy định của Luật thi hành án hình sự thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và Ủy ban nhân nhân dân cấp xã là những cơ quan trực tiếp tiến hành việc lập hồ sơ, quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và người chấp hành án cải tạo không giam giữ. Tại Điều 62 Luật thi hành án hình sự đã quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án.
           Trong thực tiễn áp dụng điều luật này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, gây cản trở trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Qua trường hợp cụ thể sau sẽ làm rõ vấn đề này: Ngày 10/10/2014 Nguyễn Văn B bị Tòa án nhân dân huyện G xử phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo thời gian thử thách 24 tháng về tội: Đánh bạc. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã ra quyết định thi hành án đối với B và chuyển quyết định kèm theo bản án đến Cơ quan thi hành án hình sự- Công an huyện để thi hành. Cơ quan thi hành án tiếp nhận hồ sơ, đồng thời triệu tập B đến trụ sở Cơ quan thi hành án hình sự để ấn định thời gian B phải có mặt tại Ủy ban nhân dân xã, cam kết việc chấp hành án. Tuy nhiên triệu tập nhiều lần nhưng B đều không đến cơ quan thi hành án để làm việc, tiến hành xác minh tại địa phương nơi B cư trú xác định B đã bỏ đi làm ăn xa, gia đình, địa phương không biết B đi đâu, làm gì. Chính vì B không có mặt ở địa phương, không đến để làm việc theo giấy triệu tập nên Cơ quan thi hành án hình sự công an huyện không ấn định được thời gian người phải thi hành án treo đến Ủy ban nhân dân xã, cam kết việc chấp hành án và đương nhiên hồ sơ thi hành án treo của B không được bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã để tổ chức thi hành.
          Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thấy rằng hiện có nhiều trường hợp thi hành án treo, cải tạo không giam giữ bỏ trốn khỏi địa phương hoặc triệu tập không đến để làm việc gây khó khăn rất lớn đối với công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Nhiều hồ sơ án treo, cải tạo không giam giữ Cơ quan thi hành án hình sự không bàn giao được cho UBND cấp xã để thi hành, lý do Cơ quan thi hành án hình sự không triệu tập được người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Bên cạnh đó đối với một số hồ sơ đã được bàn giao cho UBND cấp xã nhưng người được hưởng án treo cũng không thi hành, bỏ đi làm ăn xa, triệu tập không đến.... Tình trạng này không những ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ, quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ của các cơ quan được giao nhiệm vụ là Cơ quan thi hành án hình sự- Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã mà thực tiễn trên còn cho thấy bản án của Tòa án không được người phải thi hành án tuân thủ nghiêm minh và chấp hành theo đúng quy định. Người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ không được quản lý, giám sát giáo dục vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội, coi thường pháp luật, từ đó làm mất mục đích, ý nghĩa của hình phạt mà Bộ luật hình sự đã quy định. Bên cạnh đó, việc xác định người đó đã thi hành án xong hay chưa thi hành cũng không rõ ràng, nếu hết thời gian chấp hành án treo và thời gian thử thách thì người đó có được coi là đã được xóa án tích hay không?  Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành và việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng thì người chấp hành nghiêm chỉnh bản án của Tòa án về phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ được cấp giấy chứng nhận hết thời gian thử thách, chấp hành xong hình phạt và người không chấp hành bản án, bỏ trốn khỏi địa phương có hậu quả pháp lý là như nhau, vì sau khi hết thời gian thử thách 01 năm của án treo hoặc cải tạo không giam giữ đều được coi là đã xóa án tích, mà không căn cứ vào việc người đó có thực sự chấp hành bản án của Tòa án đã tuyên hay không?
          Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án, nhưng nguyên nhân chính vẫn là việc quy định của Luật thi hành án hình sự chưa đầy đủ. Trong Luật thi hành án hình sự quy định rất chi tiết quyền, nhiệm vụ của Cơ quan thi hành án cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát giáo dục người phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên luật lại không quy định quyền áp giải thi hành án đối với những người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ khi họ cố ý trốn tránh hoặc vắng mặt tại địa phương; không quy định quyền xử phạt hành chính của những cơ quan này đối với những người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ cố tình vắng mặt khi đã nhận được giấy triệu tập nhưng không đến làm việc. Bên cạnh đó pháp luật hình sự hiện hành không có quy định về việc những trường hợp không chấp hành bản án treo, cải tạo không giam giữ thì không được coi là đã xóa án tích và phải chịu tiền án nếu phạm tội mới. Chính vì không quy định những biện pháp “mạnh tay” mang tính cưỡng chế bắt buộc đối với những người phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ nên đã xảy ra những vướng mắc, bất cập nêu trên trong công tác thi hành án hình sự, người phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ không thi hành án mà cứ “nhởn nhơ” ngoài xã hội, hồ sơ của các cơ quan thi hành án không được bổ sung và thực hiện theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
            Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập này trong thực tiễn thiết nghĩ chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung Luật thi hành án hình sự, theo đó cần quy định bổ sung thêm thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện có quyền ra lệnh áp giải thi hành án đối với những người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ bỏ trốn hoặc cố tình trốn tránh không đến cơ quan thi hành án làm việc theo yêu cầu; bổ sung thêm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Cơ quan thi hành án cấp huyện và Công an cấp xã khi những người này cố tình không đến Cơ quan thi hành án để làm việc theo yêu cầu; sửa đổi bổ sung Luật thi hành án hình sự, Bộ luật hình sự theo hướng những trường hợp không chấp hành bản án treo, cải tạo không giam giữ thì không được coi là đã xóa án tích và phải bị xác định phạm tội trong thời gian thử thách hoặc coi là tái phạm nếu phạm tội mới.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây