Bàn về vấn đề kiểm sát trả lại đơn khởi kiệ

Chủ nhật - 24/10/2021 22:13

Trả lại đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự là hành vi của Tòa án nhân dân đối với người khởi kiện khi có một trong các căn cứ được pháp luật tố tụng dân sự quy định. Trả lại đơn khởi kiện là hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của đương sự - cụ thể là người khởi kiện; đó là quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án dân sự, từ đó bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước khi họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp đó bị các cá nhân, pháp nhân hay thậm chí Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan Nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự xâm phạm. Ở bài viết này, tôi xin tập trung phân tích, làm rõ về vai trò của VKS trong kiểm sát trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) đã bổ sung quy định mới về việc trả lời khiếu nại, kiến nghị tại Điều 194 “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện thì đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của đại diện VKS và đương sự có khiếu nại, trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp. Trường hợp đại diện VKS vắng mặt mà không có kiến nghị của VKS về việc trả lại đơn khởi kiện thì không hoãn phiên họp, nếu có kiến nghị của VKS về việc trả lại đơn khởi kiện thì phải hoãn phiên họp. Kết thúc phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại hoặc kiến nghị, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của Thẩm phán thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết, đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị lên Chánh án Tòa án cấp trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết. Khoản 7 Điều 194 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định mới theo hướng nếu vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp thì đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền tiếp tục kiến nghị lên Chánh án TAND cấp cao đối với Quyết định bị khiếu nại, kiến nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDTC nếu Quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp cao. Quyết định của Chánh án ở giai đoạn này là kết quả giải quyết cuối cùng”.

Với quy định như vậy đã tạo ra một cơ chế thực sự dân chủ, đảm bảo một trong những quyền, lợi ích chính đáng của công dân là quyền khởi kiện.

Tuy nhiên, nghiên cứu về các quy định của VKS trong kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án (quy định tại 02 điều là Điều 192 và Điều 194 BLTTDS năm 2015) thì thấy còn một số quy định mà Luật chưa “cụ thể hóa” nên dẫn đến trong thực tiễn kiểm sát còn nhiều khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 192, khi trả lại đơn khởi kiện, và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, Tòa án phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Như vậy, khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát chỉ nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện trong đó có ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, ngoài ra Viện kiểm sát không nhận được bất kỳ tài liệu nào khác. Tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTL-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 thì trong những trường hợp cần xem xét kiến nghị hoặc khi nhận được Thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, VKS sẽ gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ chứ không phải trong tất cả các trường hợp trả lại đơn, Tòa án cũng đều sao gửi cho VKS đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ và làm khó cho công tác kiểm sát, bởi lẽ nếu chỉ kiểm sát thông qua Thông báo trả lại đơn khởi kiện, VKS sẽ không được trực tiếp xem đơn khởi kiện cũng như tài liệu, chứng cứ kèm theo thì quá trình kiểm sát khó phát hiện được vi phạm, thiếu sót trong việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.

Thứ hai, về thời hạn gửi văn bản Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. BLTTDS chỉ quy định khi trả lại đơn khởi kiện, Thẩm phán phải gửi cho VKS cùng cấp mà không quy định cụ thể thời hạn là bao lâu. Việc không quy định thời hạn gửi Thông báo (mà trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị trả lại đơn, Tòa án sẽ phải có rất nhiều thông báo như: Thông báo trả lại đơn khởi kiện, Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 1) của Tòa án cùng cấp; Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 2) của Chánh án Tòa án trên một cấp; Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (lần 3) của Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TANDTC), nhưng lại quy định về thời hạn kiến nghị của VKS chỉ được thực hiện trong thời hạn 05 ngày hoặc 10 ngày sẽ rất khó xác định, bởi lẽ trên thực tế phương thức chuyển giao tài liệu, văn bản giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cùng địa bàn còn có nhiều bất cập, nay lại là các văn bản của cấp trên thì việc xác định chính xác ngày VKS nhận được để thực hiện quyền kiểm sát là gây khó cho ngành kiểm sát.

Thứ ba, về việc tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị: Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 BLTTDS 2015 thì phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp. Còn theo quy định tại Điều 26 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 thì “Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị”. Quy định này cũng tương tự như đối với các phiên họp, phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà không có kháng nghị của VKS thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Theo tôi, điều này thực sự là chưa hợp lý và hiệu quả, đặc biệt trong xu thế thời đại ngày nay, quyền con người đang là mối quan tâm của toàn cầu, việc tham gia của VKS sẽ góp phần làm hạn chế những vi phạm, sai sót của Tòa án trong việc xử lý đơn khởi kiện nói riêng và trong cả quá trình giải quyết vụ án nói chung.

Thứ tư, việc tham gia phiên họp xét khiếu nại, kiến nghị trả lại đơn khởi kiện. Theo tôi, cũng như khi kiểm sát vụ việc dân sự từ khi thụ lý vụ án đến trước khi đưa vụ án ra xét xử, phải nhận thức rõ tầm quan trọng của nó thì mới đảm bảo được chức trách, nhiệm vụ mà Quốc hội tin tưởng giao cho ngành kiểm sát. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật và Thông tư hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở các quy định rất chung về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp. Trong khi một số nội dung khác như: Thành phần phiên họp có phải bao gồm cả Thư ký Tòa án? Bài phát biểu của VKS có phải gửi cho Tòa án như trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự đã thụ lý hay không? Trách nhiệm của Tòa án trong việc sao gửi tài liệu, chứng cứ để VKS nghiên cứu trước khi tham gia phiên họp giải quyết, khiếu nại, kiến nghị. Việc không có những quy định trên đã vô hình chung làm khó cho công tác kiểm sát trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án.

Tóm lại, để đảm bảo cho những quy định về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện được thi hành trong thực tiễn thì BLTTDS năm 2015 vẫn còn cần được cơ quan lập pháp ra văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa.

                                                                                                Hoàng Thị Thúy Diệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây