- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14[1]. Lý do, tính cần thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật như sau:
1. Thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thực hiện quy định của pháp luật, hiện nay, lực lượng Công an xã - đã được tổ chức chính quy (về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì Công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã trong BLTTHS là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Điều này đặt ra việc phải sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.
Tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 như sau:
“3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
2. Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ điều tra trong trường hợp này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và những hậu quả lớn khác do vụ án không được giải quyết đúng. Trong thời gian qua tình hình thiên tai, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc kiểm tra, xác minh các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố,việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị trì hoãn, kéo dài; không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để có căn cứ ra các quyết định trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự); Cơ quan điều tra không thể kết luận điều tra đề nghị truy tố; Viện kiểm sát cũng không thể ban hành Cáo trạng để chuyển vụ án sang Tòa án vì chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội[2]. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến việc vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy cần sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ tạm đình chỉ trong các giai đoạn tố tụng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; điều tra; truy tố; cụ thể như:
- Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau:
“c) Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án”.
- Khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 như sau:
“d) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”.
- Khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật quy định bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 như sau:
“d) Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố”.
3. Theo quy định của pháp luật thì nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều được sử dụng để chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ và việc xâm phạm đến quyền đối với hai đối tượng này đều ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, trật tự của thị trường; đồng thời, nếu như nhãn hiệu chỉ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu; thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm có nguồn gốc từ các khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia khác nhau, do vậy, chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng được pháp luật quy định là thuộc sở hữu của Nhà nước. Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS; tuy nhiên, ngoài hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, khoản 1 Điều 226 BLHS còn quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là những hành vi có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau (các hành vi này đều được quy định tại khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý với cùng 01 khung hình phạt); do đó, trường hợp chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm sự thống nhất về chính sách hình sự, sự công bằng trong áp dụng chính sách hình sự và sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp.
Xuất phát từ những nội dung trên việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, thông qua việc cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố vụ án mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại đối với hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý, là hết sức cần thiết để góp phần bảo vệ tài sản quốc gia, bảo hộ hiệu quả thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật quy định như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Cụ thể, khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Bỏ cụm từ “và 226”; thay thế dấu “,” trước số “156” bằng từ “và” tại khoản 1 Điều 155”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Cụ thể, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “2. Bỏ cụm từ “và 226”; thay thế dấu “,” trước số “156” bằng từ “và” tại khoản 8 Điều 157”.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, do VKSND tối cao được giao chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.