Cần có quy định cụ thể để xác định: Việc giám định vật chứng là tiền trong trường hợp nào?

Thứ sáu - 15/10/2021 03:00

Vừa qua, Tổng cục thi hành án dân sự Bộ tư pháp ban hành công văn số 2118/TCTHADS-NV2 ngày 23/6/2021 về việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Theo đó, Tổng cục thi hành án dân sự căn cứ vào khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự nên đã hướng dẫn nghiệp vụ đối với Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện về việc “Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ là tiền cơ quan tố tụng phải thực hiện giám định và gửi tại Kho bạc Nhà nước ngay sau khi thu thập. Cơ quan THADS không nhận tiền mặt trực tiếp từ cơ quan tố tụng”.

Ngay sau khi nhận được Công văn trên, việc áp dụng thực tiễn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Một số Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện khi nhận vật chứng là tiền vẫn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải có kết luận giám định xác định tiền thật hay tiền giả thì mới tiền hành giao nhận vật chứng. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp công tác xét xử các vụ án hình sự. Bởi lẽ: Thực tiễn cho thấy, một số vật chứng là tiền trong các vụ án hình sự có giá trị khác nhau từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, có những vụ, vật chứng là tiền lên đến vài trăm triệu đồng… dẫn đến việc giám định mất rất nhiều thời gian trong khi các vấn đề khác cần phải chứng minh hành vi phạm tội của bị can theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ. Do vậy, việc có cần thiết phải giám định vật chứng là tiền hay không đang là vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận. Nếu có giám định thì giám định trong trường hợp nào?

Tại điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác…”. Theo như nội dung quy định trên thì mọi trường hợp vật chứng là tiền thì cần phải giám định ngay. Tuy nhiên, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự lại mâu thuẫn với khoản 5 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc: Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định gồm: “Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ”. Theo nội dung của khoản 5 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ giám định vật chứng là tiền khi có nghi ngờ đó là “tiền giả”.

Theo quan điểm của tác giả thì chỉ bắt buộc giám định ngay đối với tiền khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ để nghi ngờ đó là “tiền giả” trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc trong quá trình tiến hành điều tra để giải quyết các loại tội phạm vi phạm về tiền giả quy định tại Bộ luật hình sự, ví dụ như đối với Tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự... Còn đối với các trường hợp giám định không nhằm mục đích để xác định tiền giả thì không cần phải giám định.

 Để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về việc có phải giám định vật chứng là tiền hay không thì cần phải sửa đổi một phần của điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự cho phù hợp với Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự để có được cách hiểu thống nhất khi áp dụng pháp luật theo hướng “ Khi cần xác định vật chứng là tiền giả, vàng, bạc kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng, chất ma túy thì phải được giám định ngay sau khi thu thập…”.

Đây là vướng mắc thực tế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát sát xét xử các vụ án hình sự, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để việc hiểu, áp dụng pháp luật được thống nhất./.

                                                                                         Phạm Sỹ Phượng
VKSND huyện Bình Giang.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây