SỰ TIẾN BỘ CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 TRONG VIỆC BẢO ĐẢM THỰC HIỆN GIAO DỊCH DÂN SỰ DO CÁC BÊN THỎA THUẬN.

Thứ hai - 18/07/2016 21:21
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, giao dịch đảm bảo là giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận hoặc do các bên quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm (khoản 1 Điều 318 Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự), cũng chính là căn cứ để bên nhận bảo đảm thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm (Điều 336 xử lý tài sản cầm cố; Điều 355 xử lý tài sản thế chấp; Điều 721 xử lý quyền sử dung đất đã thế chấp). Về bản chất, đây chính là yếu tố trái quyền của quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, điểm yếu là ở chỗ, quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Hay nói cách khác, quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm được thực hiện phụ thuộc vào ý chí của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản). Bên nhận bảo đảm không có quyền trực tiếp, mang tính chất quyết định và ngay tức khắc đối với tài sản bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết thì bên nhận bảo đảm chỉ có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 721). Việc quy định trên đã làm cho thủ tục xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc quá nhiều vào ý chỉ của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản). Trong khi đó xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên bảo đảm sang người mua hoặc bên nhận bảo đảm (trường hợp bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm, để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm). Do vậy, bên bảo đảm thường có thái độ thiếu thiện chí, không hợp tác, chây ỳ trong việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm hoặc quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Thực tế này đã làm cho bên nhận bảo đảm trở nên bị động, yếu thế với tài sản bảo đảm, trong khi đúng ra theo quy định của pháp luật và hợp đồng bảo đảm đã giao kết, họ có toàn quyền xử lý để thu hồi nợ khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ luật dân sự 2015 đã ghi nhận và thể hiệc được một số nội dung của vật quyền bảo đảm để tăng cường tính chủ động của bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể là, lần đầu tiên, BLDS 2015 đã quy định rõ hai đặc điểm quan trọng của vật quyền bảo đảm, là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Tại  Điều 297 BLDS 2015 quy định:
1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Việc bổ sung quy định về quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền được ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm thể hiện sự kết hợp hài hòa, linh hoạt yếu tố vật quyền trong quan hệ trái quyền khi điều chỉnh quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luât dân sự năm 2015. Sự kết hợp đó hoàn toàn phù hợp với bản chất chứa đựng cả yếu tố trái quyền và yếu tố vật quyền của biện pháp bảo đảm. Quy định tiến bộ đó đồng thời góp phần tháo gỡ được những bất cập mà thực tiễn xử lý bảo đảm đang đặt ra. Tuy chỉ quy định bổ sung 2 quyền là quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền ưu tiên thanh toán nhưng nó đã mở ra sự chủ động và thực quyền giải quyết cho bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Quy định như vậy thể hiện được sự tôn trọng cao nhất thỏa thuận và ý chí các bên trong quan hệ dân sự, là nguyên tắc cơ bản xuyên suốt Bộ luật dân sự năm 2015, đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa các điều luật trong Bộ luật dân sự 2015.
Trên đây là quan điểm cá nhân tôi, xin được trao đổi với các đồng nghiệp  nhằm nâng cao hơn nữa kiến thức và chất lượng công tác.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây