Khó khăn trong việc áp dụng khoản 2 Điều 81 Bộ luật dân sự

Thứ hai - 18/07/2016 21:20
Vừa qua Viện kiểm sát nhân dân thị xã Chí Linh, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết việc dân sự, yêu cầu “tuyên bố một người là đã chết”, nội dung vụ việc:  Bà Nguyễn Thị Thơm và ông Bùi Đức Rộng đăng ký kết hôn ngày 10/3/1989. Qúa trình chung sống vợ chồng bà Thơm, ông Rộng có 02 con chung. Quá trình chung sống ông Rộng phát bệnh tâm thần, ngày 20/4/1991 âm lịch (tức ngày 02/6/1991 DL) ông Rộng bỏ nhà ra đi, tính đến nay đã biệt tích 25 năm. Bà Thơm cùng gia đình đã thông báo tìm kiếm ông Rộng nhưng không có tin tức xác thực là ông Rộng còn sống. Bà Thơm đã nhắn tin tìm kiếm ông Bùi Đức Rộng trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hải Dương 03 lần ngày 05/6/2015; trên Đài tiếng nói Việt Nam trong 03 ngày liên tiếp phát sóng lúc 11 giờ 45 phút các ngày 12,13,14/11/2015; trên Báo Lao Động trong 3 số 269, 270,271 đăng vào các ngày 20,21,23/11/2015 nhưng không có kết quả. Ngày 16/03/2016 bà Thơm có đơn yêu cầu tuyên bố ông Bùi Đức Rộng đã chết.
Giải quyết nội dung vụ việc trên, căn cứ vào quy định tại Điều 81 BLDS, khoản 2 Điều 337 BLTTDS:
Điều 81. Tuyên bố một người là đã chết
1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:
…..d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.
2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Tại khoản 2 Điều 337 BLTTDS:  “Trong trường hợp Tòa án chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này Tòa án phải xác định ngày chết của người đó….” ;
Xét yêu cầu của bà Thơm về việc yêu cầu tuyên bố ông Rộng mất tích là có căn cứ và thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 81 BLDS.  Trong trường hợp trên Tòa án không những xem xét căn cứ để tuyên bố ông Rộng chết mà còn xác định ngày chết cho ông Rộng, qua đó phát sinh một số quan điểm như sau:
Theo quan điểm thứ nhất: Trong trường hợp trên ông Rộng đã biệt tích 25 năm liên tục không có tin tức về việc còn sống hay đã chết nên thuộc trường hợp tại điểm d (biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống…) thì ngày chết là ngày người đó biệt tích tức là ngày 02/6/1991.
Quan điểm thứ hai: nên xác định ngày chết cho ông Rộng là ngày mà quyết định tuyên bố một người là đã chết của tòa có hiệu lực pháp luật. Như vậy ngày 16/6/2016 Tòa án mở phiên họp vậy ngày 01/7/2016 Quyết định tuyên bố có hiệu lực pháp luật là cũng ngày chết của ông Rộng
Quan điểm thứ ba: Đối với trường hợp biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống thì thời điểm chết phải được xác định là ngày kế tiếp sau năm năm kể từ ngày được xác định là biệt tích, tức là ngày 03/6/1996
Theo quan điểm của tác giả, nhất trí với quan điểm thứ ba vì các lẽ sau: Việc một người bị tòa tuyên bố là đã chết được hiểu là “chết về mặt pháp lý”, không phải là chết về mặt sinh học. Do vậy, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì mới được xác định là đã chết; thời điểm chết phải được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết. Việc tuyên bố ông Rộng chết thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 81 BLDS “ Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống”, Vậy ngày chết của ông Rộng cần được xác định là ngày kế tiếp sau năm năm kể từ ngày được xác định là biệt tích tức là ngày 03/6/1996.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây