Vướng mắc khi áp dụng quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại Điều 240 BLHS năm 2015.

Thứ tư - 13/10/2021 03:24

Tóm tắt: Thực tiễn nghiên cứu áp dụng quy định tại Điều 240 BLHS về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các văn bản hướng dẫn phát sinh một số vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể để tạo nhận thức thống nhất về pháp luật. Trong bài viết tôi phân tích những điểm bất cập có nhận thức chưa thống nhất và đề xuất hướng hoàn thiện phù hợp với tình hình đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này hiện nay.

 1. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại Điều 240.

Khoản 1 Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Ngày 30/3/2020 TAND tối cao Hướng dẫn xử lý tội phạm liên quan dịch bệnh Covid-19 về “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Công văn số 45/TANDTC-PC như sau:

1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

 d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống covid-19

“1. Định nghĩa ca bệnh, người tiếp xúc

1.1. Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát)

Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với vi rút SARS-CoV-2.”

Tuy nhiên, thực tiễn nghiên cứu hướng dẫn để xử lý hình sự về hành vi của người nghi ngờ mắc bệnh thực hiện hành vi Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người còn có vướng mắc, quan điểm ý kiến khác nhau. Cụ thể như sau:

Ví dụ:  

Từ 28/7/2021 đến 06/8/2021, Nguyễn Văn A không đi đâu khỏi xã nơi A cư trú, chỉ đi mua thực phẩm, mua thuốc chữa bệnh trong xã. Trước đó, A trình bày không tiếp xúc với ai nghi ngờ mắc covid-19. Đến ngày 08/8/2021, kết quả xét nghiệm A dương tính với covid-19. A là F0 đã làm lây lan bệnh covid-19 cho 2 người là con trai và 1 người hàng xóm.

 A có triệu chứng ho, sốt, đau đầu từ ngày 28/7/2021. A trình bày bản thân thường xuyên bị ốm, đau đầu, viêm họng nên tôi nghĩ mình bị ốm thông thường, biết việc phải khai báo y tế khi thấy có biểu hiện của sốt, ho, khó thở nhưng tôi nghĩ mình hay bị ốm thông thường nên không khai báo y tế.

 Có 02 ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất:  A là “Người nghi ngờ mắc bệnh” được hiểu là  Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát). A có 02 biểu hiện (ho, sốt) theo quy định tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ y tế. Nên A phải đi khai báo y tế ngay sau khi có biểu hiện. Do A không đi khai báo y tế nên đa làm lây lan bệnh covid-19 cho 02 người. A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 của Bộ luật hình sự.

Ý kiến thứ hai: Cho rằng theo Hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của TAND tối cao thìA là “Người nghi ngờ mắc bệnh” được hiểu là Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát)02 biểu hiện (ho, sốt) có nhưng phải đã được thông báo cách ly đã có hành vi không khai báo y tế mà làm lây lan dịch covid-19 cho 02 người nên trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 của Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, không làm rõ được nguồn lây bệnh covid-19 cho A và do A chưa được thông báo cách ly nên A không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo chúng tôi, với hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của TAND tối cao nêu trên thì ý kiến thứ hai là hợp lý. Vì:

Biểu hiện (ho, sốt) của mỗi người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp người này có tiếp xúc gần F0, F1, F2 không thực hiện việc khai báo y tế mà làm lây lan dịch bệnh có người khác (kể cả khi chưa được thông báo cách ly) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này không chứng minh được người này thuộc trường hợp là “Người nghi ngờ mắc bệnh”, nói cách khác là Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát), nghĩa là không xác định được người này (A) đã tiếp xúc với F0, F1, F2 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 của Bộ luật hình sự.

Vì vậy, đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn cụ thể hơn trường hợp này để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất./.

                                                                                      Trần Đình Nghị
VKSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây