Một số vấn đề về bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành kiểm sát nhân dâ

Thứ tư - 13/10/2021 23:09

Bảo vệ bí mật Nhà nước là một nhiệm vụ rất quan trọng; mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang, nhân dân và mọi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước. Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố mà nếu bị tiết lộ gây nguy hại cho Nhà nước. Căn cứ tính chất, mức độ quan trọng của tin và hậu quả tác hại khi bị tiết lộ, bí mật Nhà nước phân thành 3 loại với 3 độ mật khác nhau (Tuyệt mật, Tối mật và Mật) và căn cứ vào nội dung phản ánh của thông tin bí mật, bí mật Nhà nước được phân chia thành các lĩnh vực khác nhau[1].

Theo Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc VKSND, thì tài liệu của ngành được quy định hai cấp độ Tối mật và Mật; cụ thể như sau:

- Bí mật Nhà nước độ Tối mật thuộc VKSND gồm:

+ Báo cáo, văn bản của VKSND xin ý kiến của Quốc hội, cơ quan nhà nước, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và văn bản trao đổi với các cơ quan bảo vệ pháp luật về công tác THQCT, KSHĐTP, phương hướng giải quyết đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

+ Chỉ thị, nghị quyết, phương án, kế hoạch, kết luận, thông báo, văn bản chỉ đạo của VKSND về công tác THQCT, KSHĐTP đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.

+ Nội dung, văn bản họp Ủy ban kiểm sát của VKSND các cấp về phương hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

+ Phương án, kế hoạch, báo cáo, văn bản về triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

- Bí mật Nhà nước độ Mật thuộc VKSND gồm:

+ Kế hoạch, nội dung phối hợp công tác liên ngành của VKSND với các cơ quan có thẩm quyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; tội phạm dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.

+ Quan điểm, ý kiến của Kiểm sát viên VKSND tối cao, thành viên Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao, Ủy ban kiểm sát VKSND cấp cao, kết luận của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao trong quá trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa công khai; văn bản trao đổi nghiệp vụ của VKSND với các cơ quan tiến hành tố tụng về việc giải quyết vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

+ Thông tin, tài liệu về công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm[2].

+ Thông tin, tài liệu về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân[3].

+ Thông tin, tài liệu về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp[4].

+ Nội dung, phương án đàm phán, tiếp xúc cấp cao giữa VKSND tối cao với các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế về hoạt động tương trợ tư pháp hình sự trong giải quyết đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.

+ Báo cáo của VKSND tối cao với cơ quan đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chủ trương, định hướng lớn liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân chưa công khai.

- Quá trình thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành, cần lưu ý các nội dung sau:

+ Phải chấp hành đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Viện trưởng VKSND tối cao về bảo vệ bí mật Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 14/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành KSND[5].

+ Thực hiện đúng quy định về xây dựng, ban hành văn bản có nội dung bí mật NN từ khi đề xuất, trình duyệt, xác định độ mật, in sao, phát hành, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật. Việc soạn thảo văn bản mật phải thực hiện trên máy vi tính không kết nối Internet. Các văn bản mật phải chuyển qua đường cơ yếu và theo pháp luật quy định, không được trao đổi thông tin có nội dung bí mật trên các phương tiện liên lạc không bảo mật.

+ Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Thực hiện việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về việc bảo vệ bí mật NN đúng quy định của Pháp luật và Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 313/QĐ-VKSTC ngày 04/7/2018 của VKSND tối cao về việc phát ngôn và cung cấp thông tin trong ngành KSND.

+ Chấp hành đúng quy định của pháp luật và của Viện trưởng VKSND tối cao về việc mang tài liệu ra nước ngoài thuộc danh mục bí mật NN dùng vào việc hội nghị, hội thảo quốc tế, đàm phán, ký kết các hiệp ước với nước ngoài.

+ Người soạn thảo văn bản phải đề xuất với Thủ trưởng trực tiếp về độ mật theo đúng danh mục; người duyệt, ký văn bản chịu trách nhiệm việc đóng dấu độ mật, số bản phát hành, phạm vi lưu hành đối với phim, băng đĩa nội dung mật phải niêm phong có biên bản ghi rõ tên vật kèm theo.

+ Tài liệu phải thu hồi thì thực hiện đóng dấu tài liệu thu hồi được phát ra trong thời gian nhất định, người được sử dụng chỉ sử dụng trong thời hạn quy định rồi nộp lại cho nơi phát tài liệu.

+ Việc giao, nhận tài liệu mang bí mật Nhà nước phải vào sổ, lập phiếu gửi, làm bì đúng quy định, đóng dấu ký hiệu độ mật[6].

+ Niêm phong tài liệu “Tuyệt mật”, “Tối mật” gửi đi phải đúng quy định. Dấu niêm phong đóng một nửa trên si hoặc giấy niêm phong, một nửa trên bì, dùng mực dấu màu đỏ tươi.

+ Việc tiếp nhận văn bản mật gửi đến phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy trình, quy định về bảo mật[7].

+ Việc bảo đảm bí mật trong thông tin liên lạc và thông tin đại chúng cần lưu ý: Đường truyền Internet phải được bảo mật để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Mọi nội dung thuộc bí mật Nhà nước trong ngành KSND đều phải mã hóa chuyển qua đường cơ yếu. Mọi trường hợp trao đổi, cung cấp thông tin có nội dung bí mật Nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và phải chịu trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin./.


[1] Bí mật Nhà nước trong lĩnh vực chính trị; Bí mật Nhà nước trong lĩnh vực an ninh; Bí mật Nhà nước trong lĩnh vực Quốc phòng; Bí mật Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, khoa học công nghệ; Bí mật Nhà nước trong lĩnh vực xã hội. Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước quy định cụ thể về phạm vi tin, tài liệu Bí mật Nhà nước trên từng lĩnh vực cụ thể, như: Lĩnh vực chính trị; lĩnh vực quốc phòng; lĩnh vực an ninh; lĩnh vực cơ yếu; lĩnh vực pháp lý, tư pháp; lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực tài nguyên môi trường; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực lao động xã hội; lĩnh vực tổ chức, cán bộ; lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; lĩnh vực kiểm toán…

 [2] Phương án, kế hoạch, báo cáo, văn bản về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử chưa công khai. Lệnh, quyết định, văn bản của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia hạn tạm giữ, bắt, tạm giam, khám xét, quyết định việc truy tố chưa thực hiện. Yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân về việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định của Viện kiểm sát nhân dân về việc phê chuẩn, không phê chuẩn, gia hạn, hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Kế hoạch, báo cáo, văn bản kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự chưa công khai.

[3] Ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án. Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo chưa công khai. Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo.

[4] Kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong HĐTP chưa thực hiện. Báo cáo kết quả kiểm sát; nội dung kết luận kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa công khai. Nội dung kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa công khai.

[5] Nội dung Chỉ thị yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tổ chức quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thực hiện đúng Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; phải quản lý chặt chẽ việc bảo mật thông tin trong quá trình xây dựng văn bản liên quan đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, tuyệt đối không để lộ, lọt thông tin khi chưa được giải mật.

[6] Tài liệu “Mật” đóng dấu chữ C; “Tuyệt mật” đóng dấu chữ B; “Tối mật” đóng dấu chữ A.

[7] Mọi tài liệu mật từ bất cứ nguồn nào gửi đến phải qua văn thư cơ quan, đơn vị vào sổ “Tài liệu mật đến” để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp tài liệu mật đến mà bì ghi có dấu “chỉ người có tên mới được bóc bì” thì văn thư vào sổ tài liệu ghi ngoài bì và chuyển ngay đến người có tên trên bì. Nếu người có tên trên bì đi vắng thì chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết. Văn thư không được bóc. Các ca trực nghiệp vụ ngày nghỉ, ngày lễ nhận cũng không được bóc bì. Mọi tài liệu mật đến khi nhận, kiểm tra xong, văn thư phải ký xác nhận vào phiếu gửi và trả lại nơi gửi tài liệu. Nếu phát hiện tài liệu mật gửi đến có dấu hiệu bị bóc, mở bao bì, lộ bí mật hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng… thì người nhận phải lập biên bản xác nhận và báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời. Thực hiện việc thu hồi, vận chuyển, thống kê, cất giữ, bảo quản tài liệu mật phải thực hiện đúng quy định. Việc phổ biến, lưu hành, tìm hiểu, sử dụng tài liệu mật phải đúng đối tượng, đúng nội dung, theo các mức độ “Mật”; việc ghi chép, ghi âm, ghi hình phải được phép của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

                                                                                            Văn phòng tổng hợp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây