Trao đổi về nhận biết giọng nói theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Thứ tư - 13/10/2021 03:16

Tại Điều 191 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

" 1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.

Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.

Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói:

a) Giám định viên về âm thanh;

b) Người được yêu cầu nhận biết giọng nói;

c) Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm;

d) Người chứng kiến.

3. Nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.

Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.

5. Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói".

Theo cá nhân tôi việc nhận biết giọng nói được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành nhận biết giọng nói

Khoản 1 Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định Điều tra viên tiến hành nhận biết giọng nói “khi cần thiết”. Nhưng trong trường hợp nào là cần thiết để tiến hành nhận biết giọng nói thì đến nay chưa có văn bản của liên ngành trung ương hướng dẫn cụ thể. Qua thực tiễn thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra vụ án hình sự về tội Cướp tài sản, vụ án có đồng phạm, các bị can trong vụ án đều là người thân trong một gia đình (mẹ đẻ, cháu gái và con dâu), không nhận tội. Trong quá trình điều tra không trả lời câu hỏi của điều tra viên. Bị hại cung cấp cho Cơ quan điều tra các file ghi hình có âm thanh (ghi bằng thiết bị điện thoại di động), về diễn biến vụ việc, có nhiều người chứng kiến, họ đều là người hàng xóm của bị can (nghe rõ được nội dung đối thoại của các bên (thì trong quá trình điều tra nên tiến hành biện pháp điều tra nhận biết giọng nói).

Theo quy định tại các Điều 42; 67; 88; 108; 178; 191 BLTTHS năm 2015 và Điều 53 Quy chế  công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên cần phải thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Một là:  Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết giọng nói (theo khoản 4 Điều 191 BLTTHS). Tuy nhiên trong thực tiễn, quy định trên dẫn đến hai cách áp dụng khác nhau.

+ Cách thứ nhất:  Trong buổi nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải hỏi người được yêu cầu nhận biết giọng nói, rồi sau đó mới cho họ bắt đầu nhận biết giọng nói.

+ Cách thứ hai: Điều tra viên phải hỏi người được yêu cầu nhận biết giọng nói trước khi tiến hành nhận biết giọng nói (trước đó một thời gian), biên bản ghi lời khai theo quy định tại Điều 178 BLTTHS. 

Theo cá nhân tôi nên chọn cách thứ hai. Khi hỏi người được yêu cầu nhận biết giọng nói, Điều tra viên cần hỏi thuật kỹ họ về các đặc điểm (nhất là các đặc điểm riêng biệt) mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói và các yếu tố khách quan, chủ quan trong khi họ lắng nghe giọng nói của đối tượng...

Hai là: Tại khoản 1 Điều 191 BLTTHS quy định:

" ...Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói..".

Quy định trên chưa thể hiện rõ việc Điều tra viên phải thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản hay hình thức nào khác.

Với quy định trên, theo cá nhân tôi thì Điều tra viên phải thông báo (bằng văn bản) trước cho Viện kiểm sát một thời gian hợp lý, ghi rõ địa điểm tiến hành nhận biết giọng nói để Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Mặt khác để Kiểm sát viên có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị kế hoạch kiểm sát việc nhận biết giọng nói do Điều tra viên tiến hành.

Ba là: Việc lựa chọn người tham gia việc nhận biết giọng nói.

Đối với người được yêu cầu nhận biết giọng nói, Điều tra viên cần lựa chọn những người trực tiếp nghe và họ còn nhớ rõ các đặc điểm riêng biệt trong giọng nói của đối tượng, đồng thời lưu ý đến các điều kiện như: Họ phải là người trực tiếp nghe được giọng nói của đối tượng nhận biết giọng nói trước đây; là người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình...Đối với người được đưa ra để nhận biết giọng nói, căn cứ vào lời khai của người được yêu cầu nhận biết giọng nói về đặc điểm của giọng nói mà trước đây họ đã nghe.

Bước 2: Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói

Điều tra viên phải kiểm tra thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản nhận biết giọng nói (theo khoản 3 Điều 191 BLTTHS). Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý (theo quy định khoản 4 Điều 191 BLTTHS). Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó. Trường hợp có sự khác nhau giữa lời khai trước và lời khai trong quá trình nhận biết giọng nói của người được yêu cầu nhận biết giọng nói, thì Điều tra viên cần phải yêu cầu họ giải thích kỹ lý do của sự khác nhau đó, xem xét, đánh giá thận trọng.

Bước 3: Kết thúc việc nhận biết giọng nói

Điều tra viên phải lập biên bản nhận biết giọng nói: Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của BLTTHS. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói (theo khoản 5 Điều 191 BLTTHS).

                                                                                            Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây