Nguyễn Văn A có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không
Thứ tư - 13/04/2016 22:58
Sau khi nghiên cứu bài “Nguyễn Văn A có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không”, đăng trên trang tin điện tử của VKSND tỉnh Hải Dương vào thứ năm ngày 19/11/2015 của tác giả Đinh Thu Thủy, VKSND TP Hải Dương, tôi xin có 1 số ý kiến xác định: Nguyễn Văn A và Phạm Văn B không phạm tội gì, với các lý do sau:
Thứ nhất: do Nguyễn Văn A quen biết với anh Vũ Văn C nên A đã hỏi mượn anh C chiếc xe ô tô Honda Civic biển số 30H- 7438 để đi cầm cố, anh C biết A mượn xe để đi cầm cố nhưng vẫn đồng ý, việc này hai bên không giao kèo (hợp đồng) là trong thời hạn bao lâu Nguyễn Văn A phải chuộc xe trả cho anh C; điều này chứng tỏ rằng, việc anh A đem chiếc xe đó đi cầm cố là hợp pháp, không trái với ý chí của chủ sở hữu là anh C;
Thứ hai: sau khi Nguyễn Văn A và Phạm Văn B đem chiếc xe Ô tô Honda Civic biển số 30H- 7438 của anh Vũ Văn C đi cầm cố lấy tiền, A giao cả số tiền 150.000.000đ cho B; Phạm Văn B nhận tiền xong trả cho A 34.000.000đ tiền nợ trước đó, trả nợ anh E số tiền 20.000.000đ do A nợ từ trước; sự việc cầm cố xe oto diễn ra từ ngày 27/4/2013 đến 3 giờ ngày 28/4/2013 (bài viết nêu ngày 28/4/2014, như vây là 1 năm sau mới xảy ra tranh chấp), A đến gặp anh C nói cho anh C biết việc A và B đã mang chiếc xe ô tô của anh C đi cầm cố và trả anh C số tiền 15.000.000đ A nợ anh C từ trước, lúc này Anh C yêu cầu A chuộc xe ô tô trả lại cho anh; điều này càng khẳng định việc A cầm cố xe là có sự đồng ý của anh C;
Thứ ba: A bỏ đi khỏi địa phương từ đầu năm 2013 và B bỏ đi khỏi địa phương từ tháng 10/2013 cho đến nay đều không có mặt tại địa phương không rõ lý do và không trao đổi gì với anh C, vì A và B không có nghĩa vụ phải xin phép hay thông báo với anh C việc này, hơn nữa là khi cầm cố xe 2 bên không quy định thời điểm nào anh A phải trả xe cho anh C nên việc A và B vắng không có ý nghĩa định tội với A và B; mặt khác không có căn cứ chứng minh việc A và B sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
Thứ tư: đối với Phạm Văn B, lúc đầu B nợ tiền A, do A muốn có tiền nên A mượn xe của anh C đem cầm cố, B không phải là người mượn anh C nên không phải chịu trách nhiệm đối với anh C trong việc A đem cầm cố chiếc xe nêu trên.
Do vậy việc Nguyễn Văn A không đem trả xe theo yêu cầu của anh C chỉ là tranh chấp dân sự trong “Hợp đồng cho mượn tài sản” được quy định từ Điều 512 đến Điều 517 Bộ luật dân sự năm 2005; Nguyễn Văn A và Phạm Văn B không phạm tội Làm dụng tín nhiệm CĐTS, nếu anh C có yêu cầu thì cần được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trên đây là quan điểm cá nhân, xin gửi đến các đồng nghiệp tham khảo.