Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong BLTTHS 2015

Thứ ba - 29/03/2016 22:49
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015), được Quối hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực từ 01/7/2016. Theo đó, BLTTHS 2015 có nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
 
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV quy định tại Điều 42 BLTTHS năm 2015.
Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên
1. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
c) Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra; kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
d) Trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét;
đ) Kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; việc tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra, kết thúc điều tra;
e) Đề ra yêu cầu điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can;
g) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người làm chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
h) Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
i) Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;
k) Yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
l) Tiến hành tố tụng tại phiên tòa; công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, các quyết định khác của Viện kiểm sát về việc buộc tội đối với bị cáo; xét hỏi, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp;
m) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng; kiểm sát bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án;
n) Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
o) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật;
p) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này.
2. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình.
So với BLTTHS năm 2003 thì nhiệm vụ, quyền hạn của KSV có một số quy định mới như sau:
1. Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn này tuy không được quy định trong BLTTHS năm 2003, nhưng đã được quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên ngành Trung ương hướng dẫn một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong hơn 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06 đã cho thấy hiệu quả của việc kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng điều tra giải quyết án. Do đó, BLTTHS năm 2015 đã “luật hóa” chức năng, nhiệm vụ này, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của KSV trong việc kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, đề ra yêu cầu xác minh... Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để KSV thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong quá trình kiểm sát tin báo tội phạm.
2. Trực tiếp giải quyết, lập hồ sơ giải quyết tin báo tội phạm
Tại điểm c, khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 quy định “Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiếm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”.
Tại khoản 2 Điều 146 quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyền hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết”.
Quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKS được quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VKS thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác THQCT và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
3. Trực tiếp kiểm sát việc đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét
BLTTHS năm 2003 có quy định các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra như đối chất, nhận dạng, khám xét nhưng không quy định KSV trực tiếp kiểm sát các hoạt động trên của Cơ quan điều tra. Các hoạt động điều tra nêu trên có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, giải quyết mâu thuẫn, kiểm tra tài liệu thu thập được làm căn cứ giải quyết vụ án. Thực tiễn cho thấy, việc không có KSV trực tiếp kiểm sát nên nhiều vụ án đã bị oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, Điều 189, 190, 191, 193 BLTTHS năm 2015 đều quy định trước khi tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét (trừ trường hợp khám xét khẩn cấp) thì Điều tra viên phải thông báo cho VKS cùng cấp để cử KSV kiểm sát. KSV phải có mặt để kiểm sát, nếu vắng mặt thì ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra
BLTTHS năm 2003 quy định KSVcó thể tiến hành một số hoạt động điều tra như: hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, thực nghiệm điều tra, tuy nhiên các quy định này rải rác trong các điều luật cụ thể. Quyền này được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 05/2005 của liên ngành Trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTHS. BLTTHS năm 2015 quy định rõ quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra của KSV trong chức năng, nhiệm vụ của KSV. Đồng thời quy định cụ thể các trường hợp KSV được trực tiếp hỏi cung bị can tại Điều 183; lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự tại các Điều 186, 187, 188; tiến hành đối chất tại Điều 189. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để KSV thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
5. Yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can
Trong quá trình THQCT và KSĐT, khi có căn cứ xác định bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì KSV chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; khi bắt được bị can đang bị truy nã hoặc bị can đang bị truy nã ra đầu thú, sau khi xác định đúng đối tượng bị truy nã theo thẩm quyền thì KSV chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra quyết định đình nã theo Điều 231 BLTTHS.
6. Quyết định áp giải, dẫn giải
Áp giải, dẫn giải là các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tại Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định KSV có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.
Điều 127. Áp giải, dẫn giải
1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
3. Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.
7. Quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; Quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội
Tại Điều 418 BLTTHS năm 2015 quy định đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó đối với Viện kiểm sát quyền này giao cho KSV được phân công THQCT và KSĐT vụ án.
8. Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật
Tại các Điều 70, 76, 77 BLTTHS năm 2015 quy định người phiên dịch, người dịch thuật, trình tự, thủ tục chỉ định người bào chữa, thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Theo đó quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; quyền yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật của VKS được giao cho KSV, để tăng tính chủ động, kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 42 BLTTHS năm 2015 quy định KSV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình. Như vậy bổ sung việc KSV phải chịu trách nhiệm trước Phó Viện trưởng. Đồng thời các KSV được phân công THQCT và KSĐT nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình theo Điều 83 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Như vậy, có thể thấy BLTTHS năm 2015 đã tăng quyền hạn cho KSV khi được phân công THQCT và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; THQCT và KSĐT vụ án hình sự.
Trên đây là một số quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của KSV trong BLTTHS 2015, xin trao đổi với các đồng chí để cùng nghiên cứu thực hiện.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây